Thành viên đấu thầu trái phiếu chịu nhiều nghĩa vụ chưa phù hợp

(ĐTCK) Các thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang chịu nhiều nghĩa vụ, nhưng quyền lợi lại chưa tương xứng. Cách nào tháo gỡ tình trạng này? ĐTCK trao đổi với ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Thành viên đấu thầu trái phiếu chịu nhiều nghĩa vụ chưa phù hợp

> Sở hữu nhiều TPCP, ngân hàng lãi “khủng”?

Một số thành viên trong danh sách 36 thành viên đấu thầu TPCP theo công bố của Bộ Tài chính đang quan ngại việc họ phải chịu nhiều nghĩa vụ và rủi ro, trong khi quyền lợi lại chưa tương xứng. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?

Sự mất cân đối giữa quyền lợi và nghĩa vụ thể hiện ngay trong Thông tư 234/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Theo đó, trong khi các thành viên đấu thấu TPCP chỉ có 4 quyền lợi, nhưng phải chịu tới 6 nghĩa vụ. Đáng nói là các quy định về quyền lợi thì nhẹ nhàng như được: sử dụng hệ thống giao dịch và các dịch vụ do Sở GDCK Hà Nội (HNX) cung cấp; thực hiện giao dịch tự doanh trên hệ thống giao dịch TPCP của HNX (hai quyền lợi này thì không chỉ có thành viên đấu thầu mới có, mà các thành viên giao dịch trên hệ thống giao dịch TPCP của HNX đều có); được rút khỏi tư cách thành viên sau khi có sự chấp thuận của HNX…, trong khi nghĩa vụ lại nặng nề và rủi ro.

Cụ thể, họ phải thực hiện chào mua, chào bán TPCP với cam kết chắc chắn cho 3 trong số các kỳ hạn chuẩn trên hệ thống của HNX; chịu sự kiểm tra, giám sát của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) và HNX; nộp phí thành viên, phí giao dịch và các phí dịch vụ khác theo quy định; tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin…

 

Nghĩa vụ nào được coi là nặng nề hơn cả, làm gia tăng rủi ro cho các thành viên đấu thầu TPCP, thưa ông?

Trong điều kiện thị trường có mức thanh khoản thấp, diễn biến thường một chiều, mức biến động giá lớn..., thì việc là thành viên đấu thấu TPCP mang đến nhiều rủi ro cho các ngân hàng và CTCK khi quy định pháp lý đặt ra nhiều nghĩa vụ chưa phù hợp với bối cảnh, trình độ phát triển của TTTP hiện nay.

Thứ nhất là về hạn mức giao dịch. Theo tiêu chuẩn giao dịch quốc tế, thì các ngân hàng có quy định phải tuân thủ hạn mức cho từng đối tác giao dịch. Tiêu chuẩn này được các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tuân thủ tuyệt đối và một số ngân hàng trong nước cũng áp dụng thông lệ chuẩn này. Việc không có hạn mức giao dịch sẽ dẫn tới các thành viên khi được yêu cầu chào giá cam kết chắc chắn sẽ chào giá không sát với giá có thể giao dịch được trên thị trường, với biên độ chào mua chào bán rộng để đảm bảo sự an toàn của thành viên, vì thế không đạt được mục đích tăng thanh khoản cho thị trường và tạo ra một thị trường minh bạch, cũng như cung cấp giá trái phiếu tham chiếu chuẩn cho thị trường.

Thứ hai là bất cập liên quan đến việc thành viên phải thực hiện chào mua, chào bán hàng ngày các mã trái phiếu theo điều kiện và tiêu chuẩn do HNX công bố. Với điều kiện thị trường của Việt Nam hiện tại, thị trường không có một hệ thống nhà tạo lập thị trường (PD) đủ mạnh trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, dẫn đến tính phân tán của thành viên lớn. Việc không được phép bán khống trái phiếu sẽ tạo khó khăn cho thành viên khi không có đúng loại trái phiếu theo quy định mà vẫn phải chào giá. Điều này sẽ rất rủi ro trong việc thực hiện giao dịch, vì dễ dàng bị lỗ khi đi mua lại hoặc bị vi phạm cam kết do không thể thực hiện nghĩa vụ mua bán theo giá đã phải chào.

Thứ ba, bản thân việc xác định các trái phiếu thuộc các kỳ hạn chuẩn cũng khá rộng (chẳng hạn các trái phiếu thuộc kỳ hạn chuẩn 2 năm có thời gian đáo hạn còn lại từ 548 ngày đến… 912 ngày), nên sẽ làm mất tính hội tụ của giá tham chiếu.

 

Để tháo gỡ tình trạng nặng nghĩa vụ, nhẹ quyền lợi đối với các thành viên đấu thấu TPCP, VMBA có đề xuất gì lên Bộ Tài chính, UBCK, thưa ông?

VBMA rất mong muốn thị trường trái phiếu phát triển và sớm hình thành các mức giá chuẩn, đường cong lãi suất chuẩn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng tôi cho rằng, cần có các chính sách, bước đi phù hợp tạo sự phát triển thực chất trên cơ sở hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ đối với các thành viên đấu thấu TPCP.

Trong bối cảnh hiện nay và đối với chủ trương phát triển hệ thống PD trên thị trường trái phiếu, chúng tôi cho rằng có 2 yếu tố cần cân nhắc để triển khai: nên thực hiện theo tinh thần khuyến khích tình nguyện tham gia để tạo ra sự phát triển thực chất hơn là dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt; nên xem xét điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật chính về quy định chào giá, hỗ trợ thanh khoản, phí, thuế… để khích lệ sự tham gia của các thành viên trên cơ sở hài hòa lợi ích, rủi ro, quyền lợi và trách nhiệm.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, việc quy định những nghĩa vụ đối với các thành viên của TTTP đã tạo cho các thành viên cảm giác bị áp đặt mệnh lệnh hành chính khi tham gia đấu thầu TPCP, trong khi lẽ ra cần được khuyến khích. Do đó, quy định này vô tình có tác dụng ngược khi một số thành viên đấu thầu TPCP (với mục đích phòng vệ rủi ro) sẽ đưa ra các chào giá không thực sự tốt để tránh bị các giao dịch không mong muốn, kéo theo đó là mức độ tham chiếu của đường cong lãi suất được hình thành cũng sẽ không cao, đi ngược lại với mục đích chính của cơ quan quản lý là xây dựng một đường cong lãi suất đủ tin cậy để tham chiếu cho thị trường.

Hữu Đạo thực hiện
Hữu Đạo thực hiện

Tin cùng chuyên mục