Ý kiến chỉ đạo này được Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đưa ra trong buổi làm việc với Cục Quản lý Giá mới đây.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Huệ xác định từ nay đến cuối năm, nền kinh tế Việt Nam còn ngổn ngang những khó khăn, lạm phát có nguy cơ tăng cao. Vì vậy các đơn vị thuộc ngành cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp điều hành giá để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Ông Huệ nhấn mạnh, việc điều hành giá phải góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển và hội nhập. Đồng thời cần tiến hành rà soát lại tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước kiểm soát giá, nếu giá chưa đáp ứng được với thị trường thì nghiên cứu có biện pháp xử lý, tháo gỡ theo phương án, lộ trình phù hợp, đảm bảo giá cả vận hành theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Cục Quản lý giá chủ động nghiên cứu kinh nghiệm quản lý và điều hành giá của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là những quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc… để tham mưu cho bộ. Ngoài ra, Cục Quản lý giá cần nghiên cứu, hoàn chỉnh các phương án, kịch bản điều hành giá các mặt hàng này. Trong các phương án về điều hành giá phải nêu rõ nguồn số liệu được sử dụng để tính toán, Cục Quản lý giá thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu.
Đối với mặt hàng điện, khi tính toán các phương án giá, ngoài những yếu tố làm tăng giá, Bộ trưởng Huệ cũng lưu ý tới những yếu tố làm giảm giá như: hao phí điện năng; kiểm soát chi phí của các đơn vị bán điện cho EVN; tiết giảm giá thành, vật tư thu hồi trong quá trình sản xuất và thanh lý tài sản của ngành điện; doanh thu cho thuê cột điện; nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư ngành điện; chi phí nhân công; phương pháp phân bổ chênh lệch tỷ giá… Bộ trưởng Huệ giao cho Cục Quản lý giá chủ trì nghiên cứu, đề xuất việc thanh tra các doanh nghiệp bán điện cho EVN để làm rõ các yếu tố chi phí khi đàm phán mua điện giá cao.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được giao nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức một số đoàn kiểm tra tại Hà Nội, TP. HCM Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác… Kết quả kiểm tra, sẽ được công bố công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tiện giám sát.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính nghiên cứu, đưa nội dung thanh tra về giá xăng dầu, điện… vào chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2012 của Bộ Tài chính. Trong đó, Cục Tài chính Doanh nghiệp chủ trì, báo cáo lãnh đạo bộ cụ thể về thông tin lãi, lỗ của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ngoài ra, cơ quan này cũng phải báo cáo việc ứng bù lỗ cho Petrolimex, tình hình trích lập, sử dụng và số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu của các đầu mốii nhập khẩu xăng dầu, tổng hợp kết quả báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét.