Thanh tra cổ phần hóa: Cân nhắc lợi ích NĐT

(ĐTCK) Những nội dung thanh tra tại Vinaconex là một trong những chủ đề được nhiều nhà báo quan tâm tại cuộc họp báo tháng 7 của Thanh tra Chính phủ sáng 13/8. Ngoài Vinaconex, còn có Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam tại Hà Nội, TP. HCM thuộc diện thanh tra cổ phần hóa. Ông Phạm Văn Khanh, Vụ trưởng Vụ 1, Thanh tra Chính phủ trả lời câu hỏi của ĐTCK.
Thanh tra cổ phần hóa: Cân nhắc lợi ích NĐT

Trong bản công bố thông tin bất thường gửi tới NĐT và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vinaconex cho biết, trong Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg ngày 18/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hoá Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam có quy định, phần vốn tăng thêm do đấu giá cổ phiếu được để lại nhằm tăng vốn nhà nước tại Tổng công ty, ông nghĩ sao?

Thủ tướng có quyết định để lại, song phải xem để lại như thế nào, Vinaconex giữ hay Nhà nước giữ. Thủ tướng cũng đã có văn bản yêu cầu Vinaconex nộp lại khoản thặng dư đó, rồi Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu tương tự. Thanh tra chỉ nói ý kiến Thủ tướng mà thôi, không nói gì mới.

NĐT cũng rất quan tâm tới quyền sở hữu tầng 1 các tòa nhà Chung cư Trung Hòa - Nhân Chính do Vinaconex làm chủ đầu tư? Về vấn đề này UBND TP. Hà Nội đã có văn bản khẳng định quyền sở hữu của Vinaconex, ông có thể cho biết ý kiến của Thanh tra Chính phủ về nội dung này?

Theo quy định, Vinaconex phải bàn giao tầng 1 Toà nhà chung cư Trung Hòa - Nhân chính cho UBND TP. Hà Nội sử dụng phục vụ cho các mục đích công, nhưng khi kiểm tra thì Vinaconex đã bán những diện tích này.

Vinaconex có đưa ra văn bản cho thấy những việc họ làm đều đã báo cáo và được chấp thuận của các bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND TP. Hà Nội, Thanh tra Chính phủ có xem xét những ý kiến này?

Trong quá trình thanh tra, Vinaconex cũng có ý kiến giải trình. Trước khi kết luận, Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 200 gửi tới các bên liên quan để đánh giá, nhưng không có hồi âm nào. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về kết luận thanh tra tại Vinaconex, Thủ tướng cũng đã không chấp nhận giải trình của các bộ. 

Hiện Thanh tra Chính phủ cũng đang tiến hành thanh tra cổ phần hóa tại Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông..., qua thanh tra ông thấy có những vi phạm nào phổ biến nhất?

Quá trình thanh tra còn tiếp tục, nên chúng tôi chưa có kết luận, tuy nhiên vấn đề nổi lên là trong cổ phần hóa, các DN đều lúng túng, khó khăn. Đơn vị nào cũng là làm đầu tiên, dù quy trình cổ phần hóa đã có, vẫn có những sai sót, nhưng đó là do ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp sai chứ không phải cá nhân sai. Có trường hợp cả hội đồng, cơ quan chức năng thẩm định phương án cổ phần hóa sai. Bên cạnh đó, DNNN nhiều năm hoạt động với quyền tự chủ giao DNNN tự quyết, do vậy khi thực hiện cổ phần hóa, khi quyết toán thuế, xử lý nợ khó đòi, DN thực hiện không giống nhau. Có DN đầu tư khấu hao thiết bị hàng chục năm rồi, đã hết khấu hao nhưng xác định giá trị DN vẫn để 20%, có anh vừa kết thúc khấu hao cũng xác định 20%. Có DN ở những vị trí đất đai “đắc địa”, muốn đưa giá trị đất đai vào xác định giá trị cổ phần hóa doanh nghiệp và định giá thấp đi...  Tới đây, chúng tôi sẽ có tổng hợp.

Rất nhiều DNNN khi cổ phần hóa đã bán cổ phần cho NĐT, nay nếu thanh tra có sai phạm phải khắc phục hậu quả, công ty cổ phần sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên, với những người đã mua cổ phần theo thông tin đưa ra trong cáo bạch ban đầu của DN, liệu đây có phải là điều thiệt thòi cho NĐT?

Đúng là khó ở chỗ đó. Nguyên tắc khi bán cổ phần ra ngoài, anh đã đưa thông tin vào cáo bạch rồi, NĐT mua cổ phần là tin vào cáo bạch đó. Giờ thanh tra ra, anh thiếu của Nhà nước, khắc phục ra sao? Quan điểm của chúng tôi là cân nhắc đến quyền lợi NĐT, trong trường hợp của Vinaconex chẳng hạn, quyền lợi của NĐT đều được xem xét.  Cuối năm nay, Nhà nước sơ kết cổ phần hóa, chúng tôi tin sẽ có giải pháp tháo gỡ.

Liên quan đến chuyện thặng dư cổ phần hóa, hiện có những DN được giữ lại khoản tiền này, có DN thì không. Vậy trong quá trình thanh tra, các ông có kiến nghị gì để đảm bảo công bằng giữa các DN?

Theo quy định, nếu các đơn vị thành viên của tổng công ty, tập đoàn nhà nước cổ phần hóa thì thặng dư cổ phần hóa chuyển về tổng công ty, tập đoàn chủ quản quản lý và sử dụng. Trường hợp những đơn vị đó có quyết định cho thành viên giữ lại thặng dư thì phải có phương án, đề án. Còn như Vinaconex, đây là trường hợp thí điểm cổ phần hóa toàn bộ Tổng công ty, vì thế toàn bộ thặng dư từ cổ phần hóa phải được chuyển về cho Nhà nước.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ Xây dựng, Tài Nguyên Môi trường, UBND TP. Hà Nội xem xét, đề xuất biện pháp xử lý các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tầng 1 Khu Trung Hòa - Nhân Chính và một số vấn đề khác mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị và báo cáo Thủ tướng trong quý III/2009

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ