Trao đổi với ĐTCK bên lề Hội thảo “Quản lý hoạt động chuyển giá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/12, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách, Tổng cục Thuế nhận định: “Chuyển giá đang là vấn đề rất nhức nhối”.
Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm đến thông tin một số DN có vốn đầu tư nước ngoài bị nghi ngờ thực hiện chuyển giá để trốn thuế trong nhiều năm qua. Đối với cơ quan thuế, hoạt động chống chuyển giá đã được triển khai ra sao?
Năm 2012, ngành thuế đã đặt hoạt động thanh tra giao dịch chuyển giá là nhiệm vụ trọng tâm. Cơ quan thuế cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.495 DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, đã điều chỉnh giá dẫn đến nhiều DN từ lỗ đã có lãi, truy thu và phạt 622,8 tỷ đồng; giảm lỗ 3.306,6 tỷ đồng; đã nộp vào ngân sách 206,7 tỷ đồng, đặc biệt có cuộc thanh tra đã điều chỉnh giảm giá vốn gần 80 triệu USD.
Theo quan điểm của ông thì liệu có thể hài lòng với kết quả trên?
Tôi cho rằng, kết quả đạt được là chưa cao. Nguyên nhân chính là mỗi năm chúng ta vẫn thực hiện được rất ít cuộc thanh tra giao dịch chuyển giá. Bên cạnh đó, ngành thuế cũng chưa có đội thanh tra chuyên trách về giao dịch chuyển giá. Ngoài ra, cán bộ thanh tra còn thiếu kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn về giao dịch chuyển giá. Trong khi đó, các DN chuyển giá thường có nhiều cách để “lách luật” như liên kết với công ty kiểm toán để “làm đẹp” hồ sơ.
Như vậy, để ngăn chặn chuyển giá hẳn còn là câu chuyện dài?
Xuất phát từ yêu cầu của Chính phủ, giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012 - 2015, ngành thuế sẽ tập trung triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới. Cụ thể, chúng tôi đặt trọng tâm sang phương pháp quản lý theo rủi ro, trong đó tập trung vào công tác thanh tra theo kế hoạch, có trọng điểm, chứ không thanh tra tràn lan. Một trong những dấu hiệu chuyển giá là lỗ triền miên mà vẫn mở rộng kinh doanh. Đó có thể là căn cứ để cơ quan thuế tập trung vào thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi sẽ huy động đủ cán bộ có trình độ để phân tích, tìm hiểu hiện trạng thực của những trường hợp lỗ vẫn đầu tư mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, sẽ phải củng cố cả về chính sách, rồi cơ chế quản lý, đào tạo nguồn nhân lực và sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn các cấp để chống chuyển giá, chứ không thể một mình cơ quan thuế làm được. Quan điểm là chúng ta phải nhìn một cách tổng thể từ trên xuống dưới, nhất là quan điểm về xây dựng chính sách, tức là cái gốc từ chính sách, rồi mới đến quản lý và con người cũng phải đủ trình độ để đáp ứng.
Cụ thể thì ngành thuế sẽ xử lý thế nào với thông tin về vụ việc nghi ngờ chuyển giá ở Coca - Cola và một số DN bị dư luận nghi vấn gần đây, thưa ông?
Vụ việc ở Coca - Cola vừa qua, cơ quan thuế chưa thực hiện thanh tra, chứ không phải là đã xác định được việc chuyển giá như các cơ quan báo chí đã thông tin. Coca - Cola được thành lập từ năm 1993 và đầu tiên là liên doanh với 1 DN của Việt Nam . Sau một thời gian, phía nước ngoài của DN này mua lại toàn bộ cổ phần của phía Việt Nam và trở thành DN 100% vốn nước ngoài. Điểm bất thường là suốt từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, DN này đều báo lỗ.
Vừa rồi Thanh tra Cục thuế TP. HCM mới tiến hành thanh tra hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2006 của công ty này và chỉ thanh tra doanh thu chi phí thông thường theo Luật thuế Thu nhập DN. Qua thanh tra, đã giảm lỗ tại Coca - Cola lên tới 950 tỷ đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thanh kiểm tra không chỉ có Coca - Cola, mà còn DN chuyên ngành nước giải khát như Công ty Pepsi, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay đều lỗ. Đó là những sự vụ không bình thường cần quan tâm.
“Không loại trừ khả năng DN liên kết với công ty kiểm toán, công ty luật và ngay cả với cán bộ ngành thuế… để lách luật” Ông Nguyễn Văn Tạo, Nguyên Hiệu trưởng Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính Không thể có chuyện Coca - Cola đầu tư vào Việt Nam thì lỗ triền miên và dù lỗ cả chục năm vẫn đầu tư lớn để mở rộng sản xuất, trong khi đầu tư vào Thái Lan thì lại có lãi. Giải pháp cơ bản trước mắt là phải tăng cường kiểm tra. Thứ hai là phải đi so sánh với các nước trong khu vực có điều kiện tương đối tương đồng, ví dụ tại sao khi đầu tư vào Thái Lan anh có lãi thế này mà vào Việt Nam lại lỗ hàng chục năm… Tôi cho rằng, nguyên nhân là mình không có kinh nghiệm điều tra chống chuyển giá, năng lực cán bộ cũng yếu, trình độ ngoại ngữ cũng kém, nên không biết và không phát hiện được có chuyển giá hay không. Tôi cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng DN liên kết với các công ty kiểm toán, công ty luật và ngay cả cán bộ ngành thuế… để “lách luật”. |