Số dư thanh toán tăng 55%
Theo Ngân hàng Nhà nước, kết thúc quý I/2021, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng tăng hơn 4.000 tài khoản, với số dư gần 741.400 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3, số liệu của Ngân hàng Nhà nước ghi nhận 104,189 triệu tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng.
Trong quý I năm nay, số dư tài khoản thanh toán cá nhân đạt 741.378 tỷ đồng, tăng gần 75.000 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm ngoái. Mức tăng này cũng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng tiền gửi chung của hệ thống (0,97%). So với quý I/2020, tiền gửi thanh toán cá nhân tại các ngân hàng đã tăng tới 55,5%. Trong khi tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tính đến hết tháng 2/2021 chỉ ở mức hơn 0,97%, trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,37%, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 3,32% so với cuối năm 2020.
Có thể thấy, tiền gửi thanh toán tăng mạnh cũng như ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến thói quen thanh toán của người dân nhanh chóng chuyển sang áp dụng các phương thức an toàn và tiện lợi hơn.
Hiện cả nước có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet, 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong quý I/2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu lượt với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu lượt với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 78% về số lượng và 103% về giá trị. Riêng hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đạt 482,5 triệu lượt với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 100%.
70% dịch vụ thực hiện trên môi trường số
Ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. PGS-TS Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Số lượng người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số đều phải đạt ít nhất 80%. Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động, đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 70%.
Hiện cả nước có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet, 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.
Để xác định các chỉ tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã có quá trình theo dõi, nắm bắt thực trạng chuyển đổi số tại các tổ chức tín dụng và đã tiến hành khảo sát trong toàn ngành. Kết quả cho thấy, hoạt động chuyển đổi số đã và đang được các tổ chức tín dụng rất quan tâm và chủ động triển khai với kết quả đáng ghi nhận, như 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, hầu hết ngân hàng đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài chính...). Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút thời gian.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể, với mong muốn trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Ngày càng có nhiều người dân Việt Nam sử dụng thanh toán không tiếp xúc và nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số. Các xu hướng này sẽ còn tiếp tục được duy trì, nhất là khi dịch tái phát.
Khảo sát của Visa - công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới cho thấy, tổng giá trị giao dịch thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam những tháng đầu năm 2021 qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. Đã có tới 85% người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần trong tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.
Thanh toán không dùng tiền mặt qua dịch vụ ngân hàng điện tử thời gian qua tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và được giới phân tích tài chính nhận định là sẽ tiếp tục tăng. Phát huy kết quả đã đạt được, ngân hàng, tổ chức tín dụng đang chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời ứng phó với diễn biến phức tạp của Covid-19.