Thanh toán điện tử: Một phần của chính sách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, Trung Quốc, nền kinh tế có quy mô GDP đứng thứ hai thế giới, thương mại hàng hóa đứng đầu thế giới, luôn nỗ lực để khu vực hóa và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (RMB) khiến cho đồng tiền này tương xứng với vị thế của Trung Quốc trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Alipay và Wechat Pay là những thế lực lớn trong thanh toán quốc tế Alipay và Wechat Pay là những thế lực lớn trong thanh toán quốc tế

Trong phạm vi Trung Hoa đại lục, việc triển khai xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc (CIPS) được khởi động vào cuối năm 2015 giúp việc chuyển tiền thanh toán RMB dễ dàng như với USD và Euro, đồng thời giúp cho Trung Quốc giảm phụ thuộc vào USD.

Ông Lê Tuấn Khôi (*) Nghiên cứu sinh Đại học Sun Yat-Sen, Quảng Châu, Trung Quốc ngành quan hệ quốc tế

Ở phạm vi nước ngoài, những chính sách mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng RMB cũng được Chính phủ Trung Quốc thực hiện quyết liệt. Đầu tiên là việc thành lập Ngân hàng đầu tư Đông Nam Á (AIIB) với số vốn lên tới 100 tỷ USD cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực của chính sách Một vành đai một con đường (OBOR).

Đánh dấu thành công của chính sách quốc tế hóa nhân dân tệ là cuối năm 2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chấp nhận RMB là một trong những đồng tiền dự trữ quốc tế (tương tự như USD, EURO hay JPY).

Trên đây là những ảnh hưởng ở tầm vĩ mô, tuy nhiên những động thái trong nền kinh tế vi mô cũng rất đáng quan tâm, điển hình là việc quốc tế hóa của những công ty thanh toán lớn tại Trung Quốc mà Alipay và Wechat Pay là những người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Việc quốc tế hóa những dịch vụ thanh toán này được truyền thông Trung Quốc coi là cánh tay hỗ trợ đắc lực cho chính sách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Những thị trường lớn mà cả Alipay và Wechat Pay đang hướng tới là các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc... Với danh nghĩa phục vụ khách du lịch Trung Quốc tại các quốc gia này, Alipay và Wechat đang tại ra một vùng sử dụng RMB quốc tế (RMB Zone) tăng trưởng mạnh mẽ bởi lẽ lượng tiêu dùng mua sắm của khách du lịch Trung Quốc hằng năm tại các quốc gia này là một con số khổng lồ.

Các dịch vụ thanh toán này cũng rất linh hoạt trong việc sử dụng ngoại tệ hay RMB trong các giao dịch. Việc quy đổi ngoại tệ sẽ được tự động thực hiện trên hệ thống. Khách du lịch Trung Quốc sẽ có trải nghiệm mua hàng giống y hệt ở trong nước. Có thể thấy, thanh toán quốc tế là một bước quan trọng trong quá trình đưa RMB ra ngoài biên giới Trung Quốc, thực sự là công cụ mạnh mẽ đẩy nhanh việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Hãy thử tham khảo 3 bước để Alipay thâm nhập vào thị trường quốc tế:

Bước 1 là tiếp cận với các doanh nghiệp, cho phép người Trung Quốc trả tiền thông qua Alipay. Đây là case của Nhật Bản và với gần 13.000 cửa hàng tiện lợi Lawson và hơn 3.500 taxi ở khu vực; gần đây hơn là hợp tác với First Data Hoa Kỳ để hỗ trợ thanh toán cho 400 triệu cửa hàng.

Bước 2 là cung cấp dịch vụ ví điện tử cho người dùng ở các thị trường này. Đây là case của Ấn Độ và Hồng Kông (Trung Quốc), những nền kinh tế đông dân tuy nhiên chưa có những dịch vụ tài chính tiện lợi.

Bước 3 là xuất khẩu các dịch vụ tài chính sau khi cung cấp dịch vụ thanh toán cho người dùng ở nước ngoài. Mục đích cuối cùng là thâm nhập được các dịch vụ tài chính, tín dụng, dịch vụ đời sống, kinh doanh tiếp thị chuyên sâu của nước đó.

Tại các nước chấp nhận các hình thức thanh toán này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh tài chính cũng như an toàn bảo mật.

Thứ nhất về an ninh tài chính, nếu như chỉ dừng lại ở bước 1 thì các dịch vụ này có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến tài chính trong nước, có chăng chỉ là thu phí merchant và cạnh tranh với các dịch vụ trong nước.

Tuy nhiên, nếu Alipay hoặc Wechat Pay đóng vai trò trung gian thanh toán (bước 2), có mở tài khoản ngân hàng và có lượng dự trữ tiền thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề về dòng tiền, cụ thể như: Tiền sau khi thanh toán sẽ được rút từ tài khoản của người mua (tại ngân hàng trong nước) và tự động chuyển vào trong ví Alipay/Wechat (tại ngân hàng quốc tế) (quy trình này là mặc định của giao dịch trong Alipay), mặc dù ví tiền này có thể rút ra tài khoản ngân hàng tuy nhiên Alipay/Wechat sẽ có nhiều chính sách khuyến khích để tiền trong ví (thu phí rút tiền, lãi suất khi để trong ví…). Như vậy, nếu lượng người dùng lớn sẽ dẫn đến thâm hụt nguồn tiền trong nước.

Thứ hai về vấn đề an toàn bảo mật. Alipay và Wechat chắc chắn sẽ thu được một lượng lớn thông tin của người dùng khi đã có quyền thâm nhập vào những dịch vụ tài chính chuyên sâu của một đất nước (bước 3), do lĩnh vực kinh doanh của hai dịch vụ này rất đa dạng, từ ăn uống, đến bán lẻ, giao thông… 

Có thể thấy đây là những nguy cơ mà người dùng cần chú ý và thận trọng khi quyết định hợp tác sử dụng. Tuy nhiên, thực tế vấn đề còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của ngân hàng và nhà nước dành cho những dịch vụ thanh toán này.

(*) Ông Lê Tuấn Khôi có thời gian 5 năm học tập và làm việc tại Trung Quốc. Kinh nghiệm làm việc 2 năm tại công ty công nghệ. Trong thời gian làm việc đã phụ trách nhiều dự án liên quan đến công nghệ thanh toán và các giải pháp thanh toán thông minh.

Lê Tuấn Khôi
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục