Thành Thành Công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại SCR lên 36%

(ĐTCK) ĐHCĐ bất thường Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SCR) ngày 18/12/2017 đã chấp thuận cho cổ đông CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC) nâng tỷ lệ sở hữu lên 36%.
Thành Thành Công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại SCR lên 36%

Cộng hưởng cùng phát triển

Tại ĐHCĐ bất thường của SCR, các cổ đông đã chấp thuận cho cổ đông là CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC) nâng tỷ lệ sở hữu lên 36% mà không phải thực hiện các thủ tục chào mua công khai cổ phiếu SCR.

Tnh đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ đông tại SCR gồm ông Đặng Hồng Anh (10,43%), CTCP Global Mind Việt Nam (8,38%), CTCP Kho vận Thiên Sơn (2,43%), CTCP Đầu tư Thành Thành Công hiện đang nắm giữ gần 12 triệu cổ phiếu SCR, tương ứng tỷ lệ 4,91%.

Thảo luận về nội dung này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, kinh nghiệm quản lý kinh doanh, năng lực quản trị cộng với tiềm lực tài chính hùng mạnh của TTC sẽ thúc đẩy SCR “đột phá” trong thời gian tới.

Việc kết hợp sẽ giúp TTC và SCR cộng hưởng để phát triển, TTC sẽ thông qua SCR “nối cánh tay dài” của mình trong ngành bất động sản khi có một nhà phát triển dự án uy tín và quy mô lớn trên thị trường, trong khi SCR có điều kiện để giảm chi phí quản trị, sở hữu thêm nhiều quỹ đất rộng lớn, có nguồn tài chính ổn định để thực hiện các dự án… Đây là những yếu tố quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp cho SCR gia tăng vị thế trên thị trường bất động.

TTC là doanh nghiệp được đánh giá có năng lực quản trị tốt và kinh nghiệm quản lý kinh doanh phong phú, đa ngành nghề như mía đường, bất động sản, năng lượng, du lịch và giáo dục.

Hệ thống TTC có 25 công ty thành viên và hơn 150 đơn vị kinh doanh trực thuộc với doanh thu hàng năm trên 18.000 tỷ đồng và hơn 1000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Dưới góc độ quản trị tài chính, các chuyên gia cho rằng, việc TTC nâng tỷ lệ sở hữu tại SCR sẽ tạo điều kiện cho SCR tranh thủ được nguồn tài chính, đồng thời với kinh nghiệm quản trị của TTC, SCR sẽ quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn để thực hiện những dự án quy mô, thu hút nhân tài, nhân sự cao cấp...

Không những vậy, sự có mặt của TTC sẽ làm cho quy mô vốn chủ sở hữu tăng lên góp phần nâng cao năng lực tài chính, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch tài chính của SCR cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công ty trong việc huy động vốn.

Ngoài ra, cả TTC lẫn SCR đều có thể khai thác được những lợi thế lẫn nhau, tăng thị phần, tận dụng quan hệ khách hàng, dịch vụ, khả năng bán chéo sản phẩm… Chẳng hạn, hệ thống TTC có hơn 10.000 nhân sự đây có thể xem là những khách hàng tiềm năng, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.

Về phía các cổ đông khác cũng được hưởng lợi lớn từ việc này khi hiệu quả hoạt động được gia tăng sau sự “cộng hưởng” giữa SCR và TTC các yếu tố như cắt giảm chi phí quản trị, tăng doanh thu, nâng cao tiềm lực tài chính sẽ làm gia tăng giá trị doanh nghiệp và quan trọng là làm tăng giá trị vốn chủ sở hữu và thanh khoản cổ phiếu trên sàn được tốt hơn.

Việc nâng sở hữu lên 36%, TTC trở thành cổ đông chiến lược được kỳ vọng giúp cho SCR nâng cao năng lực quản trị và phát huy hơn nữa hoạt động kinh doanh của mình.

“Bức tranh” tài chính - kinh doanh

Ngoài ra, một nội dung quan trọng trên bàn nghị sự lần này mà cổ đông quan tâm là lộ trình của việc tăng vốn 30% mà SCR triển khai. Trong đó phát hành cho cổ đông hiện hữu 20%, cổ đông riêng lẻ 10% nhằm thực hiện tái cơ cấu tài chính công ty.

Được biết, tổng số tiền dự kiến thu được từ 2 đợt chào bán của SCR dự kiến sẽ là 731,5 tỷ đồng, trong đó sử dụng một phần số tiền này để mua thêm cổ phần đang sở hữu của Dự án Tản Đà tọa lạc giao lộ Tản Đà - Hải Thượng Lãn Ông - Võ Văn Kiệt (quận 5, TP.HCM) - một trong những dự án quy mô và đầy tiềm năng mà SCR sẽ thực hiện trong thời gian tới, khi mà công tác pháp lý đã sắp hoàn thành.

Phần còn lại thu được từ đợt chào bán riêng lẻ, SCR dự tính sẽ dùng tái cấu trúc tài chính để chuẩn bị cho phương án sát nhập, mua bán (M&A) các quỹ đất mới trong thời gian tới.

Về nợ, tính đến ngày 30/9/2017 tỷ lệ Nợ vay/Vốn chủ sở hữu của SCR là 59% và tỷ lệ Nợ vay/Tổng tài sản là 19%. Tỷ lệ này khá thấp so với toàn ngành bất động sản, tạo cho SCR còn nhiều dư địa tài chính, tạo sự ổn định nguồn vốn, đảm bảo tính thanh khoản trong mọi trường hợp.

Nợ vay tăng lại vừa qua do SCR phải đẩy nhanh việc đón đầu cơ hội đầu tư phát triển các dự án mới tiềm năng như hợp tác với C.J Cầu Tre để thực hiện dự án tại số 125/208 Lương Thế Vinh, quận Tân Phú (quy mô gần 7 ha) và huy động thêm từ các gói trái phiếu để phát triển các dự án mới chuẩn bị kế hoạch cho các năm tiếp theo nên nợ vay ngắn hạn tăng nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối tài chính của SCR.

Thống kê 9 tháng đầu năm 2017, dù kết quả kinh doanh chưa như kỳ vọng, song hoạt động kinh doanh cốt lõi (core business) đang quay trở lại với SCR làm cho cơ cấu tài chính thêm lành mạnh hơn rất nhiều.

Lãnh đạo SCR cho biết, Công ty sẽ tập trung vào ngành nghề và những giá trị vốn có của SCR. Được biết, báo cáo tài chính quý 3 vừa qua thể hiện, không chỉ việc “core business” đã quay trở lại mà trong cơ cấu doanh thu của SCR còn bổ sung tỷ trọng doanh thu từ hoạt động cho thuê sàn thương mại. Điều này không chỉ góp phần ổn định nguồn thu mà còn có ý nghĩa đảm bảo tính thanh khoản cho SCR trong mọi hoàn cảnh.

Thời gian tới, công ty sẽ tập trung phát triển nhiều dự án lớn, trước mắt sẽ triển khai dự án Carillon 7 quy mô gần 700 căn hộ tại Tân Phú và đặc biệt là dự án cao cấp tại quận 4 với quy mô 1.500 căn hộ. Cả 2 dự án hiện đã hoàn thiện pháp lý và sẽ chính thức công bố ra thị trường trong thời gian tới.

Ngoài ra, nội dung tại Đại hội cho biết, TTC LAND chính thức trở thành thương hiệu mới của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, thay thế cho thương hiệu Sacomreal.

Bình luận về sự kiện này lãnh đạo SCR cho biết, việc thay đổi không làm thay đổi mục tiêu, tôn chỉ hoạt động kinh doanh của công ty, TTC LAND sẽ kế thừa những giá trị, tinh hoa của Sacomreal trước đây. “Sự thay đổi nhằm nâng cao quy mô và tiềm lực của công ty.” Vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục