Thành phố Thủ Đức: Áo chưa mặc đã biết là chật

0:00 / 0:00
0:00
TP.Thủ Đức đi vào vận hành kể từ 1/1/2021. Đây là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Việt Nam, cùng với đô thị Hòa Lạc trở thành đô thị sáng tạo đầu tiên của quốc gia.

Vị thế của TP. Thủ Đức

Cho đến lúc này, về cơ bản, bộ máy hành chính của TP. Thủ Đức đã được hình thành và đi vào hoạt động. Thành phố có thành ủy, UBND, Tòa án nhân dân và tới đây sẽ có HĐND. Thành phố có hai cấp hành chính là thành phố và phường, không có quận. Ngay khi xây dựng Đề án, nhiều chuyên gia đã lo lắng về những nút thắt khiến thành phố này không phát huy hết sức mạnh của mình và điều đó nay đã trở nên hiện thực.

Một câu hỏi rất quan trọng là TP. Thủ Đức có vị thế như thế nào trong TP.HCM, quan hệ như thế nào với bộ máy lãnh đạo TP.HCM và với các bộ, ngành trung ương? Sau khi hợp nhất 3 quận, TP. Thủ Đức có diện tích 212 km2, dân số 1,1 triệu người - ngang bằng với TP. Đà Nẵng và Cần Thơ và như thế, TP. Thủ Đức tương đương với thành phố loại 1.

Nhưng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương ban hành ngày 19/6/2005 (cả ở các bản đã sửa đổi), trong Điều 2 “Các đơn vị hành chính”, thì TP. Thủ Đức chỉ là đơn vị cấp quận, huyện thuộc tỉnh. Chính vì quy định như thế, nên TP. Thủ Đức hiện nay được cho là đông dân nhất, diện tích thuộc loại lớn nhất, nhưng vị thế của nó cũng ngang bằng với các quận, huyện khác của TP.HCM, nó không có chức năng hoạch định chính sách phát triển vĩ mô như quy hoạch không gian, định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, ký kết các chương trình hợp tác đầu tư lớn và quyết định những vấn đề quan trọng trên địa bàn mình, như nhân sự, thuế, phí, giao thông, môi trường...

Trong cơ cấu của bộ máy TP. Thủ Đức, các cơ quan quản lý nhà nước và tham mưu quan trọng như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị thừa hành và triển khai các chương trình, kế hoạch của TP.HCM ban hành.

Theo như cơ chế hiện nay, TP. Thủ Đức không có gói ngân sách được phân bổ từ Quốc hội, mà ngân sách của TP. Thủ Đức nằm chung trong gói ngân sách của TP.HCM và hàng năm, HĐND TP.HCM sẽ phân bổ chỉ tiêu ngân sách cho các quận huyện, trong đó có TP. Thủ Đức. Ngay cả trong trường hợp Quốc hội đồng ý tăng phân bổ ngân sách cho TP.HCM từ 18 lên 23%, thì ngân sách của TP. Thủ Đức cũng chỉ nằm trong gói này.

Với cơ chế như vậy thì rõ ràng ý đồ xây dựng TP. Thủ Đức là trung tâm khoa học sáng tạo, công nghệ - kỹ thuật cao, tương tác đa chiều nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung theo hướng nền kinh tế tri thức, và theo kỳ vọng khi hình thành nó sẽ tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho thành phố và đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM, tức khoảng 7% GDP của cả nước, là điều vô cùng khó khăn.

Để TP. Thủ đức được phân quyền, phân cấp nhiều hơn

Như thế, muốn TP. Thủ Đức trở thành điểm đột phá trong tiến trình phát triển, thì cần phải thay đổi quan điểm và có những quyết định mạnh mẽ về thể chế để TP. Thủ Đức được phân quyền, phân cấp nhiều hơn, đặc biệt là phân quyền theo lãnh thổ. Điều này có thể thực hiện được theo 3 cách sau đây:

Thứ nhất, TP. Thủ Đức trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Hải Phòng. Lúc này TP. Thủ Đức không thuộc TP.HCM nữa, mà trở thành thành phố độc lập. Nếu thực hiện mô hình này, Chính phủ sẽ đầu tư trọng điểm cho TP. Thủ Đức về tài chính, nhân lực và có quy chế riêng cho nó phát triển bứt phá trở thành thành phố khoa học - sáng tạo, mức đầu tư cho nó như đầu tư cho Vân Đồn, Phú Quốc.

Việc TP. Thủ Đức tách riêng ra không ảnh hưởng đến TP.HCM, vì nó không nằm trong lòng thành phố 21.000 km2 này, mà nằm ở rìa ngoài cùng ở hướng Đông Bắc, ráp với Bình Dương, Đồng Nai. TP. Thủ Đức kết hợp với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành dải đô thị năng động nhất quốc gia. Tuy nhiên, trong phương án này thì rõ ràng, TP.HCM không hứng thú vì như thế sẽ mất đi một phần lãnh thổ tiềm năng, nhưng đổi lại là được một thành phố phát triển đứng ngay sát bên, tạo ra những cơ hội mới cho cả hai cùng phát triển.

Thứ hai, ban hành cho TP. Thủ Đức một quy chế đặc biệt. Khi đó, TP. Thủ Đức vẫn thuộc TP.HCM, nhưng cùng lúc, nó được hưởng sự “chăm sóc” của chính quyền TP.HCM và Chính phủ. Nó trở thành một chủ thể độc lập tương đối so với TP.HCM, được đầu tư từ cả TP.HCM và Chính phủ và nhận chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng phải chia sẻ với TP.HCM về trách nhiệm, nghĩa vụ và các bài toán phát triển. Các thành phố sáng tạo của Hàn Quốc như TP. Daejeon, TP. Songdo; các thành phố sáng tạo của Trung Quốc mà họ gọi là China Silicon Valley hay high tech park ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải, Thiên Tân, Vũ Hán, Quảng Đông được tổ chức hoạt động theo cách thức này.

Thứ ba, phải thay đổi luật như Luật Chính quyền địa phương, Luật Đô thị để giải quyết bài toán “thành phố trong thành phố” sao cho TP. Thủ Đức phát triển được tốt hơn trong khi nó vẫn là thành viên của TP.HCM. Trên thế giới có 2 mô hình đảm bảo được tính độc lập của các thành phố vừa và nhỏ với thành phố lớn trong một đơn vị hành chính.

Mô hình các thành phố trong tỉnh

Tỉnh Mátxcơva được thành lập từ năm 1929, có diện tích 44.300 km2, dân số 25 triệu. Đơn vị hành chính này có 28 thành phố, bao gồm cả Thủ đô Mátxcơva.
Tỉnh Mátxcơva được thành lập từ năm 1929, có diện tích 44.300 km2, dân số 25 triệu. Đơn vị hành chính này có 28 thành phố, bao gồm cả Thủ đô Mátxcơva.

Trên thế giới có rất nhiều thành phố cực lớn nằm trong đơn vị hành chính của một tỉnh. Nước Nga hiện nay kế thừa di sản từ thời Liên Xô vẫn duy trì hình thức tỉnh, bao gồm một hệ thống các thành phố đa cấp, từ thủ đô đến thành phố lớn, thành phố trung bình, thành phố nhỏ, thị trấn và cả các làng nông nghiệp xen kẽ.

Tỉnh Mátxcơva được thành lập từ năm 1929, có diện tích 44.300 km2, dân số 25 triệu. Đơn vị hành chính này có 28 thành phố, bao gồm cả Thủ đô Mátxcơva. Thủ đô Mátxcơva có diện tích 2.500 km2, với 11 triệu dân, mặc dù nó là thành phố lớn nhất, có cơ chế quản lý đặc biệt, nhưng vẫn nằm trong tỉnh Mátxcơva.

Tỉnh Gyeonggi là đơn vị hành chính lớn nhất của Hàn Quốc, có diện tích 10.200 km2, dân số 14 triệu người. Nó bao gồm 31 thành phố, các khu công nghiệp, làng nông nghiệp, làng nghề. Thủ đô Seoul có diện tích 605 km2, dân số 9 triệu người nằm trong địa hạt của tỉnh này, mặc dù nó có một quy chế đặc biệt trực thuộc Chính phủ trung ương từ năm 1949, nhưng vẫn được coi là một cấp hành chính trong tỉnh.

Tỉnh Gyeonggi là đơn vị hành chính lớn nhất của Hàn Quốc, có diện tích 10.200 km2, dân số 14 triệu người. Nó bao gồm 31 thành phố, các khu công nghiệp, làng nông nghiệp, làng nghề.
Tỉnh Gyeonggi là đơn vị hành chính lớn nhất của Hàn Quốc, có diện tích 10.200 km2, dân số 14 triệu người. Nó bao gồm 31 thành phố, các khu công nghiệp, làng nông nghiệp, làng nghề.

Mô hình vùng đô thị

Trên thế giới có một mô hình khác phổ biến hơn là vùng đô thị (Urban Region). Hiểu một cách nôm na, đây là một vùng rộng lớn chứa rất nhiều thành phố có thể đồng cấp (về diện tích, dân số và cấp quản lý), hay đa cấp theo thứ bậc (thứ bậc quản lý từ cao xuống thấp, hay thứ bậc theo quy mô dân số, diện tích). Chúng được thành lập theo quyết định chính thức của chính phủ và có bộ máy quản lý chính thức. Trên thế giới hiện nay, mô hình vùng đô thị rất phổ biến. Chúng ta dễ bắt gặp những danh xưng dưới đây:

Bangkok Capital Region (BCR)/Vùng đô thị Thủ đô Bangkok Jabotabek Metropolitan Region (JMR)/Vùng đô thị Jakarta và Botabek Kuala Lumpur Metropolitan Region (KLMR)/Vùng đô thị Kuala Lumpur Manila Metropolitan Region (MMR)/Vùng đô thị Manila Seoul Metropolitan Region (SMR)/Vùng đô thị Seoul.

Metro Manila (Vùng đô thị Manila) là mô hình thành phố đồng cấp, bởi vì 17 thành phố này tương đương về dân số.
Metro Manila (Vùng đô thị Manila) là mô hình thành phố đồng cấp, bởi vì 17 thành phố này tương đương về dân số.

Để người đọc dễ hình dung, chúng tôi giới thiệu một mô hình cụ thể là Metro Manila.

Khi người Việt Nam đi du lịch Philippines, thường hiểu là đi đến Manila, nhưng kỳ thực Manila chỉ là một thành phố nhỏ nằm trong vùng đô thị gồm 17 thành phố gọi là Metro Manila (Vùng đô thị Manila). Đây là mô hình thành phố đồng cấp, bởi vì 17 thành phố này tương đương về dân số (xấp xỉ 500.000 - 700.000 dân), diện tích gần bằng nhau và cấp quản lý hành chính tương đương nhau (không có ai trên ai).

Mỗi thành phố là một thực thể hành chính - chính trị độc lập, có bộ máy lãnh đạo và tài chính riêng. Lãnh đạo thành phố là một thị trưởng, hai phó thị trưởng và Hội đồng Thành phố. Bộ máy lãnh đạo do dân bầu lên qua tranh cử công khai. Để phối hợp hành động, 17 thành phố này thành lập ra Hội đồng Thị trưởng, Chủ tịch của Hội đồng là thị trưởng luân phiên, nhiệm kỳ 1 năm (được luân phiên trong 6 thành phố có ảnh hưởng lớn nhất).

Cùng với Hội đồng Thị trưởng là Hội đồng Điều phối (bộ phận quan trọng nhất trong xây dựng kế hoạch và hợp tác). Hội đồng Thị Trưởng hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống. 17 thành phố này hầu hết là đơn chức năng (tính theo chức năng chính), như Manila là thành phố chính trị - ngoại giao; TP. Makati có chức năng tài chính; thành phố công nghiệp Markina; thành phố nông nghiệp công nghệ cao Kaloonkan; TP. Quezon là thành phố khoa học - giáo dục, nơi đây tập trung các trường đại học lớn nhất Philippines, có Silicon Valley, có khu công nghệ cao, có khu chế tạo thử nghiệm.

Như vậy, các mô hình trên đây là kinh nghiệm để Chính phủ và TP.HCM thiết kế một chiếc áo mới cho TP. Thủ Đức. Theo đó, TP. Thủ Đức sẽ trở thành một thành phố độc lập, loại 1 không phụ thuộc vào TP. HCM; hoặc TP. Thủ Đức được hưởng một quy chế đặc biệt theo hình thái “vừa trung ương vừa địa phương”, hoặc là thành phố trong tỉnh/vùng đô thị.

Sau 4 tháng vận hành cho thấy, chiếc áo thể chế dành cho TP. Thủ Đức hiện nay là chật, do vậy, cần phải thay đổi từ quan điểm chung đến các bộ luật và thiết chế hóa các văn bản dưới luật. Việc lựa chon mô hình và phương cách nào để tạo điều kiện thuận lợi cho TP. Thủ Đức phát triển là điều rất quan trọng, bởi TP. Thủ Đức là mô hình đầu tiên để cho các địa phương khác nhìn vào. Hà Nội cũng lên kế hoạch khôi phục lại TP. Hà Đông, TP. Sơn Tây và xây dựng mới TP. Hòa Lạc, TP. Sóc Sơn. Tương tự, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng lên kế hoạch xây dựng các “thành phố trong thành phố”.

Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của thể chế, nên ngay trong phiên họp Chính phủ đầu tiên ngày 15/4/2021, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất là phải đẩy mạnh việc cải cách, hoàn thiện thể chế và Thủ tướng coi đây là thách thức rất lớn, bởi nếu thể chế không hoàn thiện, thì mọi chuyện sẽ không hanh thông.

Hy vọng TP. Thủ Đức sẽ được mặc một chiếc áo mới, chứ không phải cơi nới, vá víu.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển TP.HCM)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục