Thành phố Hà Nội chuẩn bị xây 10 cầu vượt cho người đi bộ

7 cầu vượt được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép sẽ được xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Văn Cừ, đường Láng và 3 cầu vượt cho người đi bộ kết hợp đi xe đạp qua sông Tô Lịch.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc trên địa bàn, Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng 10 cầu vượt cho người đi bộ qua các tuyến đường và qua sông Tô Lịch.

7 cầu vượt được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép sẽ được khảo sát, xác định vị trí xây dựng trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) và Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), đường Láng và 3 cầu vượt cho người đi bộ kết hợp đi xe đạp qua sông Tô Lịch.

Hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 4 cầu vượt tại quận Thanh Xuân và Long Biên; trong đó, một cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường Nguyễn Trãi được xây dựng tại đoạn giao cắt ngã ba đường Triều Khúc (quận Thanh Xuân).

Ba cầu vượt còn lại được bố trí trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên).

Cả bốn cầu vượt được xây dựng bằng kết cấu thép lắp ghép, bố trí hệ thống thoát nước mặt dọc cầu, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ qua các tuyến đường, góp phần giảm xung đột, ùn tắc giao thông, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.

Thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố rà soát theo bốn tiêu chí: kiến trúc phù hợp với từng vị trí, địa điểm; sự thuận tiện, hiệu quả sử dụng; kết cấu thép gia công máy, có khả năng tháo dỡ lắp ghép lại và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; khảo sát và đánh giá nhu cầu người bộ hành qua cầu để xác định vị trí xây dựng, khoảng cách giữa các cầu và bề rộng cầu, nhằm đáp ứng đủ lưu lượng người bộ hành vào giờ cao điểm.

Ngoài 4 cầu vượt trên, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng vừa có văn bản trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng 3 cầu vượt cho người đi bộ kết hợp đi xe đạp qua sông Tô Lịch và dự án xây dựng 3 cầu vượt cho người đi bộ qua đường Láng.

Theo Sở Giao thông Vận tải, khu vực đường Láng tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, mật độ phương tiện giao thông cao.

Nhu cầu di chuyển qua đường Láng để sang phần đường đi bộ ven sông Tô Lịch cũng như nhu cầu đi bộ, đi xe đạp qua sông Tô Lịch để sang làn đường đi bộ, đi xe đạp trên tuyến đường Láng tăng cao nhưng hiện chưa có hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ qua đường Láng và hệ thống cầu vượt cho người đi bộ, đi xe đạp vượt sông Tô Lịch.

Về vị trí và quy mô 3 cầu vượt sông gồm Cầu Tô Lịch 1 (nằm giữa cầu Cót và cầu 361); cầu Tô Lịch 2 (nằm giữa cầu 361 và cầu Trung Hòa); cầu Tô Lịch 3 (nằm giữa cầu Trung Hòa và cầu Hòa Mục). Mỗi cầu có chiều dài dự kiến 40m.

Cầu đi bộ qua đường Láng gồm: Cầu số 1 đặt tại gần số nhà 1174 đường Láng - siêu thị Điện máy Xanh có chiều dài nhịp 43m; cầu số 2 đặt tại khu vực phố Pháo Đài Láng, gần số nhà 778 đường Láng, chiều dài nhịp 33m; cầu số 3 đặt tại khu vực chợ Láng Hạ, chiều dài nhịp 41m.

Sở Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường Láng là trục đường đô thị kết nối 3 quận lớn gồm: Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, đồng thời là đoạn tuyến quan trọng của đường vành đai 2 kết nối Sân bay quốc tế Nội Bài nên có mật độ phương tiện cao, tốc độ di chuyển lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, việc bố trí các nhà chờ xe buýt hiện tại còn cách xa các cầu vượt sông hiện có, gây khó khăn cho người đi bộ từ đường Nguyễn Khang, đường Nguyễn Ngọc Vũ ra điểm dừng xe buýt trên đường Láng. Do đó, việc đầu tư hệ thống cầu vượt nói trên là rất cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn và thuận tiện cho việc đi lại của người dân.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục