Thanh lọc DNNY để nâng cao chất lượng hàng hóa

(ĐTCK-online) Các chuyên gia cho rằng, cần nâng tiêu chuẩn tồn tại trên sàn bên cạnh việc nâng tiêu chuẩn DN niêm yết. Có như thế mới nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường.
Vấn đề lâu dài là nâng cao chất lượng quản trị của các DN trước và sau khi niêm yết Vấn đề lâu dài là nâng cao chất lượng quản trị của các DN trước và sau khi niêm yết

TTCK sụt giảm liên tục do ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và tác động từ thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng nguyên nhân chính là do nhiều DN không chống đỡ được với khó khăn, dẫn đến kết quả hoạt động yếu kém. Nâng cao chất lượng DN niêm yết và thanh lọc dần DN yếu kém trên sàn là vấn đề đang được đặt ra.

Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, DN muốn lên sàn HOSE phải là CTCP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức CTCP, hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất tối thiểu là 5%. Bên cạnh đó, tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX), số công ty có doanh thu năm sau thấp hơn năm trước có chiều hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2010 có 83 DN có doanh thu giảm (chiếm 22% số DN niêm yết tại HNX) so với 67 DN năm 2009 và 24 DN năm 2008. Số công ty có lợi nhuận âm cũng tăng lên con số 13 trong năm 2010, so với 8 DN năm 2009 và 9 DN năm 2008. 6 tháng đầu năm 2011, con số DN có lợi nhuận âm tăng so với các năm trước đây.

 

Theo số liệu của UBCK, tính đến thời điểm này, trong số 813 cổ phiếu trên cả 3 sàn, khoảng 50% có giá thấp hơn mệnh giá, 74% có giá thấp hơn giá trị sổ sách.

DN lên sàn HNX đáp ứng điều kiện có ít nhất một năm hoạt động dưới hình thức CTCP và hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm, không có các khoản nợ quá hạn chưa được dự phòng và không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất tối thiểu là 5%. Cùng với đó, tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. 

Điều kiện niêm yết trên cả hai sàn nhìn chung đã tăng lên như quy định cụ thể mức lãi của DN, mức độ đại chúng cao hơn và có thời gian hoạt động lâu hơn.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, nâng cao chất lượng hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở này sau một thời gian thị trường có bước phát triển nhanh về quy mô. Tới đây, DN niêm yết không chỉ đáp ứng tiêu chí về lợi nhuận, mà sẽ thêm những điều kiện khác như thời gian thành lập DN, quản trị công ty...

Theo ông Trung, việc công bố thông tin theo lớp (DN càng lớn, tính đại chúng cao, thì công bố thông tin càng nghiêm ngặt) cũng cho thấy sự phân hóa về hàng hóa trên sàn. Qua đó, NĐT có điều kiện nhận diện những cổ phiếu với chất lượng khác nhau. Yêu cầu về quản trị cũng phải nâng cao hơn trước, bởi đó là vấn đề cốt lõi đối với hoạt động DN.

"Tiêu chuẩn niêm yết có thể thay đổi theo từng thời điểm, vấn đề lâu dài là nâng cao chất lượng quản trị của các DN trước và sau khi niêm yết", ông Trung nói và cho hay, sau khi Nghị định được ban hành, HNX sẽ ban hành tiêu chuẩn niêm yết cụ thể.

Theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý niêm yết HOSE, sau 11 năm phát triển, đến lúc tiêu chuẩn hàng hóa niêm yết cần được nâng lên. Bà Đào cho biết, những điều kiện niêm yết trong dự thảo Nghị định thể hiện định hướng quản lý thị trường của cơ quan quản lý. Phía HOSE có đóng góp, bổ sung một số nội dung trên quan điểm điều kiện niêm yết mới chỉ đáp ứng với những hồ sơ mới. Các DN đã niêm yết vẫn giữ nguyên, không bị hủy niêm yết theo tiêu chuẩn mới, nhằm tránh xáo trộn trong hoạt động của các DN.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, ngoài điều kiện niêm yết phải nâng lên (DN hoạt động sau một thời gian đủ dài để có tích lũy, lãi cao), vấn đề đặt ra là cần quy hoạch "chợ trời" chứng khoán thành "siêu thị". Theo đó, sàn HOSE cần chia thành hai bảng giao dịch. Bảng loại A quy tụ các DN đủ lớn, làm ăn hiệu quả do các CTCK uy tín tư vấn phát hành, bảo lãnh niêm yết. Tiêu chuẩn nhà môi giới đối với cổ phiếu giao dịch tại bảng này cũng phải nâng lên. Bảng B có tiêu chuẩn thấp hơn bảng A, nhưng vẫn phải đáp ứng những quy định tối thiểu về công bố thông tin, quản trị công ty. Đối với sàn HNX cũng thực hiện chia bảng, nhưng nên thí điểm trên HOSE trước.

Ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp niêm yết thì lo ngại, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu nâng tiêu chuẩn niêm yết sẽ cản bước DN lên sàn chính thức. Theo ông Tâm, cần hủy niêm yết đối với các DN trên sàn không đáp ứng được điều kiện về hiệu quả kinh doanh, công bố thông tin, quản trị công ty, thanh khoản quá thấp.

"Việc thanh lọc các cổ phiếu xấu cũng là cách nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường. Theo đó, cần nâng tiêu chuẩn tồn tại trên sàn bên cạnh việc nâng tiêu chuẩn DN niêm yết", ông Tâm nói.

Trâm Anh
Trâm Anh

Tin cùng chuyên mục