Thành lập “đặc khu ảo” cho ngành công nghệ

Để ngành Internet, nội dung số đạt quy mô 30-40% GDP trong 10 -20 năm nữa, các chuyên gia cho rằng, phải có chính sách vượt trội như chính sách với các đặc khu kinh tế.
 
Thành lập “đặc khu ảo” cho ngành công nghệ

Internet là “lãnh địa cuối cùng”

Tại sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam, đã diễn ra Tọa đàm với chủ đề “Internet - nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tếsố”.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, ngành nội dung số là lĩnh vực quan trọng cuối cùng mà Internet Việt Nam còn giữ được, hiện chiếm khoảng 45-50% thị phần trong thị trường đạt quy mô 1 tỷ USD. Ngành nội dung số hiện có khoảng 10.000 lao động làm việc và khoảng 10.000 người là cộng tác viên, trong tương lai 10 - 20 năm nữa, Việt Nam sẽ có khoảng 500.000 - 1 triệu nhân sự trong lĩnh vực này.

Nhận xét của ông Tân đưa ra trong bối cảnh sau 20 năm phát triển Internet, ngành nội dung số Việt Nam đang bị chững lại, thị phần rơi vào tay công ty nước ngoài, với 95% thị phần mạng xã hội  thuộc về Facebook, YouTube, 98% thị phần công cụ tìm kiếm thuộc về Google; Mảng thư điện tử thì 98% là của Gmail, Yahoo; 80% thị phần thương mại điện tử là của doanh nghiệp nước ngoài.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG đưa ra dự báo, tương lai 10 năm tới, Internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số. Ngành nội dung số hiện chiếm 2% GDP, nhưng 10 năm tới, nhiều công nghệ, dịch vụ, lĩnh vực mới có ảnh hưởng từ Internet sẽ chiếm 30-40% GDP. Các doanh nghiệp sẽ gặp những bài toán cạnh tranh nhưng sẽ có thị trường lớn, cơ hội lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt phải hợp tác, nếu không, chúng ta chẳng có cách nào cạnh tranh với các công ty toàn cầu.

Dưới góc độ chuyên gia báo chí - truyền thông, ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết, trong vòng 3-5 năm vừa qua, sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ, cách làm báo cổ điển không còn phù hợp. Lâu nay chúng ta quan niệm nội dung là vua, nhưng nội dung bây giờ đơn độc thì không thể tiếp cận được độc giả mà phải có công nghệ. Công nghệ được coi như nữ hoàng. Ngành báo chí sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, nguồn thu trước đây bằng quảng cáo, giờ 85% thị phần digital rơi vào Google, Facebook… nguồn sống cho báo chí ngày càng bị thu hẹp. Đây là thách thức lớn.

Sống chung với doanh nghiệp nước ngoài

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, ngành nội dung số đang gặp nhiều thách thức cạnh tranh từ doanh nghiệp xuyên biên giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế địa phương nên không dễ gì doanh nghiệp nước ngoài chiếm được. Đây là lãnh địa cuối cùng, giúp chúng ta có cơ sở để tham gia cuộc chơi.

Cơ sở đó, theo ông Lê Quốc Minh là sự hợp tác, liên kết giữa thành viên cộng đồng Internet Việt Nam. “Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau, chia sẻ để cùng bán quảng cáo, thay vì quảng cáo chạy sang Google, Facebook. Liên minh sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền trên báo chí là rất cần thiết. Không lập liên minh như vậy sẽ không chống đỡ được các trận sóng lớn từ nước ngoài”, ông Minh nói.

“Chúng ta đang nói nhiều đến việc hình thành các đặc khu kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách rộng mở. Tại sao chúng ta không thành lập những “đặc khu ảo” cho ngành công nghệ, Internet”, ông Nguyễn Thế Tân nêu quan điểm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cần liên kết để trao đổi chính sách, phản hồi chính sách, xây dựng chính sách để thúc đẩy hoạt động, hài hòa thị trường...

“Cộng đồng doanh nghiệp Việt phải hợp tác, nếu không, chúng ta chẳng có cách nào chặn các công ty toàn cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh, hiện các nước phát triển cũng chưa có giải pháp để kiểm soát Facebook, Google... nhưng không nên quá lo lắng về vấn đề đó. Điều quan trọng nhất là tiếp tục tháo gỡ, bỏ nhiều rào cản cho doanh nghiệp nói chung và Internet nói riêng. “Khi Internet mở thì doanh nghiệp phải mạnh dạn bước ra nước ngoài. Hiện doanh nghiệp công nghệ Việt bước ra ngoài tương đối chậm. Các doanh nghiệp thành công mang tính chất thời điểm, may mắn chứ không phải lâu dài. Do đó, VNG đang cố gắng bước ra thị trường mới ở Myanmar và chuẩn bị ở Ấn Độ”, ông Minh tiết lộ.

Đồng quan điểm, ông Tân cho rằng, doanh nghiệp Việt nên có cái nhìn xa hơn, khi Internet mở cửa, các nước vào Việt Nam được thì cũng có nghĩa ngược lại, chúng ta có thể dễ dàng đầu tư, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Bài học từ Tecen, Alibaba là một ví dụ, họ muốn thâm nhập cả thị trường Mỹ, châu Âu chứ không chỉ riêng châu Á, châu Phi.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực rất lớn để có những chính sách cởi mở hơn, doanh nghiệp cần phải biết tận dụng. Doanh nghiệp cũng cần chủ động đề xuất chính sách để thuận lợi cho hoạt động của mình.

Về vấn đề nhiều doanh nghiệp băn khoăn là hiện chúng ta có những chính sách gần như “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ có những gói cước tạo điều kiện cho Facebook, Youtube, đặt máy chủ miễn phí. Còn các doanh nghiệp như VNG, VCCorp khi đặt máy chủ trong nước thì lại phải thuê. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ tập hợp các kiến nghị, nghiên cứu để đề xuất chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được bình đẳng trong cạnh tranh.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục