Đối với TTCK Việt Nam, hoạt động trong thời kỳ lạm phát cao cộng thêm tình hình kinh tế thế giới suy giảm, trong đó kinh tế Mỹ suy thoái, các thành viên tham gia thị trường đều ít nhiều chịu thiệt hại. Trong khối tổ chức tài chính trung gian, sự hiện diện của trên 90 công ty chứng khoán (CTCK) trên một thị trường nhỏ, nhiều bấp bênh đang đặt những công ty này vào tình thế khó khăn nhất từ khi hoạt động đến nay. Trước thực trạng khó khăn chung của khối DN này và một số DN đặc biệt khác (các ngân hàng, DN ngành bất động sản…), Chính phủ đã có thông điệp về việc nên hạn chế việc đầu tư vào những loại hình DN trên, đồng thời kiểm soát sát sao việc đầu tư, góp vốn tràn lan của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Với việc đưa ra thông điệp này cho thấy, hậu quả của việc cho ra đời quá nhiều tổ chức tài chính trung gian trên TTCK, thị trường tiền tệ hay thị trường bất động sản đã được nhìn thấy trước và là điều đáng lo ngại cho sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, việc thực thi thông điệp này lại là một câu chuyện khác. Trên TTCK hiện nay, mặc dù nhiều CTCK thua lỗ, thậm chí những công ty hàng đầu như CTCK Bảo Việt cũng không thoát khỏi cảnh thu không đủ bù chi, nhưng một bộ phận CTCK mới vẫn đều đặn ra đời. Phải chăng chúng ta đang làm ngơ với khả năng đổ bể hàng loạt hoặc phải sáp nhập của khối công ty này? Đến lúc khó khăn sầm sập đến với các CTCK, liệu có xảy ra tình trạng đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan và không ai chịu trách nhiệm? Nên nhớ, mỗi CTCK muốn thành lập ít nhất cũng cần vài chục tỷ đồng vốn điều lệ, con số này là tài sản của hàng trăm, hàng nghìn tổ chức và cá nhân. Hơn thế, ngay cả các công ty mới hoạt động cũng có đến hàng nghìn khách hàng mở tài khoản để gửi gắm tiền và chứng khoán cho việc đầu tư, nếu xảy ra rủi ro phá sản với CTCK, ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trước NĐT, trước các vấn đề xã hội từ hậu quả này?
Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: “Tại sao thấy trước hậu quả, nhưng không có giải pháp ngăn chặn?” Hãy nhìn sang các nước quanh ta, điển hình như Trung Quốc, đến nay cũng chỉ có 107 CTCK với dân số gần 2 tỷ người, lượng giao dịch trên TTCK nước họ trung bình 12,8 tỷ USD/ngày; Maylaysia có 37 CTCK trong khi mức vốn hoá của TTCK nước này là 288 tỷ USD và lượng giao dịch trung bình đạt trên 800 triệu USD/ngày; Thái Lan có 41 CTCK hoạt động trên một TTCK có mức vốn hóa 158 tỷ USD, lượng giao dịch trung bình 500 triệu USD/ngày… Riêng Việt Nam, TTCK mới hoạt động được 8 năm đã có đến 94 CTCK được thành lập, trong khi mức vốn hóa thị trường và giá trị giao dịch chứng khoán trung bình chỉ bằng 2,5% so với TTCK Thái Lan hiện nay.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, sự đổ bể của hệ thống chứng khoán, ngân hàng sẽ kéo theo hàng loạt sự phá sản của các tổ chức kinh tế và DN (Chilê chẳng hạn). TTCK Đài Loan thời kỳ đầu cũng ồ ạt lập CTCK, lúc cao điểm có tới 297 công ty, nhưng nay cũng chỉ còn 47 công ty hoạt động. Mặc dù tại Việt Nam chưa có lộ trình chuẩn để xác định số CTCK phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của thị trường là bao nhiêu, nhưng sự phát triển lệch lạc của các TTCK đi trước cần được coi là bài học quý cho Việt Nam. Việt Nam cần sự thận trọng hơn trong việc tiếp tục cho ra đời các CTCK mới, vì kinh doanh dịch vụ chứng khoán là một lĩnh vực rất nhạy cảm, không thể lấy số lượng bù chất lượng được.
Hãy xem xét lại điều kiện thành lập CTCK, đồng thời cần thắt chặt và củng cố lại các công ty đã lập. Theo chúng tôi, đây là giai đoạn phù hợp để tạm ngừng việc cấp phép cho CTCK mới và dành thời gian để xây dựng những quy định nghiêm ngặt về sự ra đời cũng như quản lý hoạt động của khối CTCK cũ. Vì mục tiêu ổn định kinh tế, đảm bảo an toàn cho TTCK, an sinh xã hội, mọi người, mọi ngành đều phải thể hiện trách nhiệm trước một vấn đề mà hậu quả có thể nhìn thấy trước, chứ không thể chỉ là hô khẩu hiệu suông.