Thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Tại cuộc họp khẩn tối 7/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh yêu cầu cấp bách về việc cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Yêu cầu trên nhằm đảm bảo không để tình trạng thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành Công thương yêu cầu thành lập ngay Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, bảo đảm không thiếu hàng hoá.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu 6 nhiệm vụ đối với Ban Chỉ đạo này.

Thứ nhất, khẩn trương, thường xuyên liên hệ, trao đổi với UBND, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch để kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, không bị đứt gãy hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Thứ hai, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ để sẵn sàng nguồn hàng hóa thiết yếu, bảo đảm cung ứng cho người dân tại các địa phương có dịch.

Thứ ba, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến; tổ chức cung ứng hàng hóa qua hệ thống các tình nguyện viên, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (ngoài cùng bên phải) chủ trì cuộc họp khẩn chiều 7/7 nhằm đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam (Nguồn: Moit).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (ngoài cùng bên phải) chủ trì cuộc họp khẩn chiều 7/7 nhằm đảm bảo cung ứng và lưu thông hàng hóa thiết yếu cho TP HCM và các tỉnh phía Nam (Nguồn: Moit).

Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là giao thông, công an để bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh có dịch khác, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.

“Ở các địa phương có điều kiện phòng chống dịch bệnh, xem xét, mở chợ truyền thống nhưng phải tổ chức phát phiếu mua hàng theo quy định”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý.

Thứ năm, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng bảo đảm lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng.

Thứ sáu, chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung điều tiết điện không để thiếu điện sinh hoạt, điện cho các cơ sở y tế, các khu cách ly tại TP/HCM và các tỉnh phía Nam có dịch, trong bất kỳ tình huống nào.

Báo cáo nhanh tình hình chung của TP.HCM và 7 tỉnh phía Nam, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong sáng và trưa ngày 7/7, tại TP.HCM đã có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tại nhiều nơi.

Ngay sau đó, Vụ đã trao đổi với Sở Công Thương TP.HCM và đề nghị Sở có thông tin rộng rãi tới người dân về việc hàng hóa dồi dào, không thiếu và không cần phải tích trữ.

Bên cạnh đó, tại TP.HCM và các địa phương có dịch đã có kịch bản dự trữ hàng hóa sớm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương nên không có hiện tượng tăng giá, sức mua đến nay cũng đã ổn định trở lại.

Vụ Thị trường trong nước khẳng định, đơn vị vẫn đang bám sát tình hình, đặc biệt trên cơ sở nguồn hàng dự trữ của TPHCM và 7 tỉnh phía Nam cũng như năng lực dự trữ của những doanh nghiệp ở các tỉnh xung quanh để có phương án phù hợp điều phối lượng hàng hóa hợp lý, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Song song với công tác phòng, chống dịch, việc đảm bảo đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu (Ảnh minh hoạ: Saigon Co.op).
Song song với công tác phòng, chống dịch, việc đảm bảo đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu (Ảnh minh hoạ: Saigon Co.op).

Một vấn đề nữa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, tại TP.HCM chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn Thành phố.

Khi các chợ này đóng cửa gây áp lực đáng kể cho cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.

Do vậy, TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía Nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.

“Lúc này, sự liên kết giữa Bộ Công Thương với các tỉnh thành nói chung và TP.HCM nói riêng cần được nâng lên mức độ cao hơn và chặt chẽ hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý và cho biết, trong ngày 8/7, Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hoá cho TP.HCM và 7 tỉnh phía Nam sẽ triển khai kế hoạch thực hiện các phương án cụ thể và chi tiết.

Các nhiệm vụ này nhằm đảo đảm cung ứng đủ hàng hoá cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá.

Thị Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục