Tăng thu nội địa
Số liệu cho thấy, trong 10 năm qua, số thu nội địa do ngành thuế quản lý đã tăng từ 297.650 tỷ đồng năm 2009 lên 1.146.933 tỷ đồng năm 2018, tức là đã tăng 3,85 lần. Tốc độ tăng thu nội địa tuy có khác nhau qua các năm, nhưng đều theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Trong điều kiện cắt giảm thuế quan để thực hiện các hiệp định thương mại tự do, việc tăng thu nội địa để bù đắp cho nguồn thu giảm từ hàng hóa xuất nhập khẩu, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cho ngân sách nhà nước là cấp thiết. Tỷ trọng thu từ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 là 22,7% giảm xuống còn 14,8% năm 2018.
Trong các giải pháp để tăng cường thu nội địa, đáng chú ý có việc đổi mới và hiện đại hóa công tác thanh, kiểm tra thuế.
Chẳng hạn, từ năm 2008, cơ quan thuế đã áp dụng thí điểm kỹ thuật quản lý rủi ro và từ năm 2013 đã áp dụng rộng rãi. Từ năm 2017, thanh tra thuế đã bổ sung khâu lập nhật ký điện tử, hiện đang được áp dụng thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM.
Hoạt động thanh, kiểm tra thuế đã được đẩy mạnh, thể hiện ở việc gia tăng số cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Từ việc thực hiện xấp xỉ 20.000 cuộc thanh tra, kiểm tra những năm 2009 - 2010, đã tăng lên 90.000 cuộc năm 2017 - 2018. Cùng với đó, số thuế truy thu qua thanh, kiểm tra cũng tăng hơn 4 lần, từ khoảng 4.000 tỷ đồng lên 17.000 - 19.000 tỷ đồng.
Cơ quan thuế cũng đẩy mạnh việc thực hiện hoạt động kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Theo Tổng cục Thuế, trung bình những năm gần đây, mỗi năm cơ quan thuế đã kiểm tra khoảng từ 900.000 đến 1 triệu hồ sơ khai thuế, qua đó điều chỉnh tăng thu vào ngân sách nhà nước từ 300 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng tiền thuế.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đánh giá, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế vẫn diễn ra phổ biến và nhiều trường hợp chậm được phát hiện. Thanh kiểm tra thuế tuy đã được tăng cường và nâng cao hiệu quả song chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế. Có nhiều doanh nghiệp tuy không thuộc đối tượng rủi ro thấp về thuế nhưng cơ quan thuế chưa tổ chức thanh tra hoặc kiểm tra tại trụ sở trong nhiều năm.
Ông Trường cũng cho rằng, cần đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro vào hoạt động thanh, kiểm tra thuế. Cụ thể, đối với những địa phương có số lượng người nộp thuế ít, có đủ nguồn lực để thanh tra, kiểm tra hầu hết người nộp thuế ở một chu kỳ nhất định, việc áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro nên được tập trung vào khâu phân tích hồ sơ và thực hiện thanh tra kiểm tra tại cơ sở kinh doanh.
Qua phân tích hồ sơ tại cơ quan thuế đối với từng đối tượng kinh doanh cụ thể, cùng với nguồn thông tin mà cơ quan thuế có được, sẽ xác định được những trọng tâm cần chú ý khi thực hiện thanh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh, góp phần tăng cường khả năng phát hiện gian lận của người nộp thuế.
Ðối với những địa phương có số lượng người nộp thuế lớn, cần tăng cường áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro ở cả khâu lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng tiến hành thanh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh và tổ chức khâu thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
Hàng năm, sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra theo danh mục được lựa chọn từ phần mềm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở kỹ thuật quản lý rủi ro, cần tổng kết đánh giá xem lựa chọn đó có đúng đắn hay không.
Chẳng hạn như, nếu phần mềm gợi ý kiểm tra doanh nghiệp nào đó do cảnh báo có khả năng gian lận cao nhưng trên thực tế kiểm tra thì lại không có gian lận hoặc gian lận ít thì phải kiểm tra xem tại sao lại như vậy, đây là lỗi của nguồn thông tin về cơ sở kinh doanh không chính xác hay do lỗi nào khác. Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn ngẫu nhiên một số doanh nghiệp mà phần mềm quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra thông báo rằng khả năng gian lận thấp.
Tăng cường chống gian lận thuế
Theo báo cáo của Cục thuế TP. Hà Nội và Cục thuế TP.HCM gửi Kiểm toán Nhà nước, năm 2016, tại Hà Nội, có 1.116/1.197 cuộc thanh tra bị phát hiện truy thu, truy hoàn, xử phạt, chiếm 93,2% số cuộc thanh tra đã hoàn thành, tổng số tiền thu về đạt 1.171 tỷ đồng; tới năm 2017, thanh tra 1.054 cuộc, số tiền truy thu, truy hoàn và phạt lên tới 1.450 tỷ đồng, giảm lỗ 4.138 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 178 tỷ đồng.
Tại TP.HCM, năm 2016, hoàn thành 1.604 cuộc thanh tra, với số tiền truy thu, truy hoàn, xử phạt 1.082 tỷ đồng; năm 2017, hoàn thành 1.311 cuộc thanh tra, kết quả truy thu, truy hoàn và phạt số tiền 1.963 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2016 - 2017 của Kiểm toán Nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán cho thấy, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí dẫn đến tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng sai diễn ra phổ biến. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước xác định số thuế phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 19.109 tỷ đồng. Ðặc biệt, qua đối chiếu 2.344 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước xác định phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 1.351 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan thuế kiểm tra làm rõ để truy thu 446 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ðình Tuấn, Phó Chánh thanh tra, Thanh tra Kiểm toán nhà nước cho biết, đối với thuế giá trị gia tăng, gian lận thuế chủ yếu thông qua các hành vi: Thứ nhất, hạch toán kê khai theo hướng giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra, hạch toán thiếu doanh thu (không hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản doanh thu, ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn thực tế.
Việc này làm giảm thu nhập chịu thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp), thường xảy ra ở các loại hình doanh nghiệp như dịch vụ ăn uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, ô tô, xe máy, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng với hàng hóa, sản phẩm dùng để biếu tặng.
Nhóm hành vi thứ hai là hạch toán, kê khai theo hướng tăng giá trị gia tăng đầu vào: mua khống hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào (không có hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ), khai tăng giá cả và số lượng hàng hóa dịch vụ mua vào (các hành vi này kéo theo làm tăng chi phí được trừ, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp), đặc biệt là các chi phí tiếp thị lễ tân chăm sóc khách hàng, hội nghị khách hàng…
Chiếm đoạt tiền thuế còn được thực hiện thông qua việc lập chứng từ khống để hoàn thuế giá trị gia tăng (chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông lâm sản, hành vi này được thực hiện ở cả doanh nghiệp “ma” và doanh nghiệp đang hoạt động bình thường).
Ðối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gian lận thuế thông qua nhiều nhóm hành vi. Chẳng hạn, hạch toán kê khai thiếu doanh thu, thu nhập chịu thuế, hạch toán thiếu các khoản thu về lợi tức, cổ tức nhận được thông qua hoạt động đầu tư, góp vốn.
Hành vi trốn thu nhập từ hoạt động tài chính hiện nay được các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính đang áp dụng là cho các nhân viên tạm ứng số tiền lớn mang đi gửi ngân hàng có kỳ hạn, lấy lãi bỏ túi riêng cho chủ doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp vẫn phải đi vay vốn để hoạt động sản xuất - kinh doanh, chi phí lãi vay ngân hàng được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhóm hành vi phổ biến khác là hạch toán khống các khoản giảm trừ doanh thu thông qua các hình thức chiết khấu, giảm giá… không đúng quy định; hạch toán tăng chi phí được trừ như lập khống hồ sơ, biên bản hủy nguyên liệu, hàng hóa kém phẩm chất, khai tăng số lượng hàng bị mất ở siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, tăng khống chi phí tiền lương, thuê chuyên gia.
Ðặc biệt là tình trạng mua bán hàng hóa lòng vòng giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các nhóm doanh nghiệp có mối liên quan với nhau để hợp thức hóa đầu vào và đầu ra nhằm thực hiện hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời, tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp một cách giả tạo nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng; chuyển giá…
Theo các cam kết về hội nhập, nhiều sắc thuế liên quan đến xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm, bởi vậy, tăng thu nội địa, giảm nợ thuế sẽ tiếp tục là trọng tâm của ngành thuế trong thời gian tới. Trong đó, hoạt động thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế sẽ là giải pháp được ưu tiên.