Thanh khoản có vấn đề!

(ĐTCK-online) Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã vọt lên gấp đôi, đạt 12%/năm vào cuối tuần trước, điều này thể hiện sự thiếu hụt tiền đồng nghiêm trọng của các ngân hàng trong nước sau những nỗ lực mạnh mẽ hút tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thanh khoản có vấn đề!

Mức lãi suất tăng lên từ mức 4 - 5%/năm so với trước đó. Một trong những nguyên nhân được xét tới là việc NHNN hạn chế mua vào tín phiếu NHNN (để cung tiền ra thị trường). Do đó, khả năng chuyển đổi các tín phiếu này thành tiền của các ngân hàng thương mại kém đi, tính thanh khoản có vấn đề.

Thông thường, để giải quyết thiếu hụt vốn ngắn hạn, các ngân hàng thường tìm vay vốn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng hoặc tìm đến NHNN thông qua các công cụ chiết khấu, tái chiết khấu hoặc bán ngược lại các giấy  tờ có giá mình nắm giữ trên thị trường mở.

Mặc dù NHNN cuối tuần qua có mua vào tín phiếu để “bơm” tiền ra thị trường với số lượng 500 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày với mức lãi suất 8,4%/năm cao hơn hẳn mức 5,75%/năm ngày 26/10. Song tình hình vẫn không có vẻ khả quan hơn.

Trên thị trường liên ngân hàng, nguồn cung vốn do các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm khoảng 70%, trung bình khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng được ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng/ngày. Hiện kênh “bơm tiền” từ NHNN tỏ ra khá “nhỏ giọt” đang khiến nhu cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt, lãi suất tăng lên, nhưng đáng lo ngại là các giao dịch vay và cho vay đang có dấu hiệu ngưng lại.

"Nếu NHNN không bơm tiền ra lưu thông bằng cách mua lại tín phiếu mà các ngân hàng thương mại đang nắm giữ thì khả năng lãi suất sẽ nhảy lên đến mức kỷ lục cho đến nay là 15 - 16%/năm", lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận định.

"Mọi người đang thiếu tiền, ai cũng hỏi vay chúng tôi, hầu hết là các ngân hàng nước ngoài, cổ phần và quốc doanh. Ngay cả chúng tôi cũng chỉ tạm gọi là trụ được và có ít vốn để cho vay".

Còn theo đánh giá từ một ngân hàng nước ngoài lớn, mức 11 - 12%/năm lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng là thái quá. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đang thiếu vốn và ngừng cung cấp vốn ra thị trường, do đó đã tạo ra làn sóng tâm lý sợ và co mình lại giữ vốn của các ngân hàng khác.

Việc thiếu hụt tiền đồng nghiêm trọng là biểu hiện của tính thanh khoản trong ngắn hạn trên thị trường đang có vấn đề và được dự báo sẽ gây ảnh hưởng đến tất cả thị trường, trong đó có thị trường trái phiếu chính phủ và TTCK, nơi nhà đầu tư dùng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán.

Điều này có vẻ như các ngân hàng thương mại lỡ ném quá nhiều tiền vào tín phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá mà chưa thể rút ra được bằng kênh thị trường mở trong ngắn hạn.

Với tình hình này, thị trường trái phiếu, tín phiếu và giấy tờ có giá sẽ trở nên ảm đạm hơn. Và thực tế, trong phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành ngày cuối tuần qua (16/11/2007) tại TTGDCK Hà Nội, không có nhà thầu nào thắng thầu mua khối lượng 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với lãi suất trần 7,8%/năm và trong tổng số 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đem ra đấu thầu chỉ có 10% trong số đó được bán với lãi suất 8,3%/năm.

Theo vị lãnh đạo trên, trên thị trường liên ngân hàng thường có nghiệp vụ làm ghép, tức là đi vay ngắn hạn để đầu tư vào các công cụ dài hạn để hưởng chênh lệch lãi suất, nhưng nay đã bị triệt tiêu hoàn toàn do mức lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu.

"Vấn đề chính đối với một ngân hàng là tính thanh khoản, lãi suất cao trong 1 hay 2 ngày không quan trọng, cái quan trọng là các ngân hàng không có tiền đồng trả nợ trong những ngày đó và nếu như ở nước ngoài, ngân hàng đó sẽ phải tuyên bố phá sản", ông này cho biết.

Anh Vân
Anh Vân

Tin cùng chuyên mục