Với những điều chỉnh về chính sách lãi suất và tỷ giá như vừa qua, hoạt động của các NH có “dễ chịu” hơn, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng, thanh khoản của các NH sẽ được cải thiện. Chính sách kích cầu của Chính phủ đã đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua lên rất cao, một số NH chạm ngưỡng đối với tỷ lệ cho vay/huy động. Đồng thời, do lo ngại lạm phát, NHNN đã có động thái rút tiền từ lưu thông làm cho trạng thái thị trường căng thẳng, lãi suất huy động tăng lên. Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng nhiều từ việc lãi suất cơ bản tăng, vì dòng tiền mới đổ vào NH chưa đáng kể. Nhưng lãi suất tăng cũng giúp khơi thông dòng vốn huy động trái phiếu khi nhiều đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ thời gian qua không thành công.
Còn việc điều chỉnh tỷ giá, biện pháp này đã có tác động hỗ trợ giảm chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do, có thời điểm lên tới hơn 20.000 đồng/USD. Cung cầu ngoại tệ với các NH có cải thiện hơn và đây là cơ sở để chúng ta hy vọng về cơ chế tiến dần đến chế độ một tỷ giá, giúp thị trường không xảy ra những cơn sốt nóng, lạnh.
Theo ông, những NH nào có sức bật trong thời điểm này?
Hiện nay là thời của những NH đang có tiền mặt dồi dào, thanh khoản tốt, tài chính mạnh. Năm 2008 cho thấy, NH có tỷ lệ cho vay/huy động thấp, tỷ lệ huy động từ tiết kiệm cao đã thắng lớn nhờ mua lại trái phiếu của NĐT nước ngoài rút khỏi Việt Nam bán ra. Thời điểm này cũng tương tự, NH nào có cơ sở khách hàng tốt, tiềm lực mạnh sẽ thắng. Nhìn xa hơn, tôi cho rằng, các NH mới thành lập, NH mới nâng cấp từ nông thôn lên sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn, mở rộng mạng lưới khi NHNN sắp kiểm soát chặt việc mở rộng mạng lưới của các NHTM.
Cũng không thể không nhắc tới lợi thế của những NH đã có đối tác chiến lược nước ngoài, nhờ đó họ có nguồn lực hỗ trợ tài chính, công nghệ, chuyển giao đào tạo.
Ông nhìn nhận ra sao về thế mạnh của các NH Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh với các NH nước ngoài?
Hai lợi thế lớn nhất của các NH Việt Nam, theo tôi, là mạng lưới chi nhánh rộng khắp mà các NH nước ngoài phải mất nhiều năm mới xây dựng được, đồng thời chi phí xây dựng mạng lưới cũng rất lớn. Bên cạnh đó, NH Việt Nam có thế mạnh am hiểu về văn hóa địa phương, trong khi thị trường còn rất rộng mở, chưa tới 10% dân số tiếp cận với dịch vụ NH.
Các sản phẩm NH sẽ đi theo xu hướng nào, thưa ông?
Về sản phẩm cá nhân, các loại hình tiết kiệm có thể thiên theo hướng kết hợp với tiện ích sản phẩm phái sinh như tiết kiệm gắn với đầu tư chứng khoán hoặc tiết kiệm gắn với bảo hiểm nhân thọ. Với các sản phẩm có sự pha trộn giữa NH và bảo hiểm, lãi suất của NH chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn với công ty bảo hiểm, tính chất đầu tư tiết kiệm sẽ mạnh hơn với các sản phẩm liên kết bảo hiểm đang có trên thị trường hiện nay.
Về sản phẩm DN, các hoạt động cho vay sẽ phát triển đa dạng cùng với sự tham dự sâu của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Những sản phẩm như tài trợ thương mại, tài trợ dựa trên chứng nhận của bên thứ ba về giao nhận hàng hóa, tài trợ theo cơ cấu thương mại... sẽ tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, nhóm khách hàng DN vừa và nhỏ, mà hiện nay phần lớn NHTM trong nước lơ là, đang được các NH nước ngoài đẩy mạnh khai thác, cũng sẽ được chú trọng.