Ông có thể cho biết tình hình thanh khoản của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM dịp cận Tết?
Mặc dù nhu cầu chi lương, thưởng của doanh nghiệp dịp cuối năm tăng cao hơn các tháng khác trong năm, nhưng do thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào, nên đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Thực tế, dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm có giảm so với trước, song nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn khá dồi dào trước diễn biến các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc.
Với mức trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay là 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 5 tháng trở xuống và cao hơn ở kỳ hạn dài ngày, gửi tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn, bởi gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương trong bối cảnh lạm phát thấp hiện nay.
Vậy cầu về vốn trên thị trường có được cải thiện không, thưa ông?
Tháng 1 năm nay, tín dụng toàn Thành phố tăng 1% so với cuối năm 2014. Khả năng nhu cầu vốn tín dụng sẽ có nhiều cải thiện trong năm nay, khi sức khỏe của doanh nghiệp dần hồi phục trước sự ấm dần của nền kinh tế.
Thêm vào đó, nhu cầu vốn mua nhà của khách hàng cá nhân tăng cũng sẽ tác động tích cực lên thị trường bất động sản, tạo điều kiện tốt cho ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Lúc này, dòng chảy tín dụng cũng dễ khơi thông hơi. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đặt ra ở mức 13 - 15%, theo tôi, là có thể đạt được, khi mặt bằng lãi suất cho vay từng bước giảm dần.
Vậy kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn có dễ thực thi?
Với chủ trương kích cầu tín dụng tạo đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2015, ngày 27/1/2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015 nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Cụ thể, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm pháp theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1 - 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Theo tôi, việc giảm mặt bằng lãi suất với vốn trung và dài hạn là khả thi. Trên thực tế, các ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất để kích cầu tín dụng, nhất là khi trần lãi suất huy động từng bước được điều chỉnh và ngân hàng giảm chi phí.
Mục tiêu của NHNN đặt ra trong năm nay có gì đột phá, nhất là khi nợ xấu vẫn cao?
Năm 2014, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, với huy động vốn đạt 1.343.835 tỷ đồng, tăng 14.8%; dư nợ tín dụng đạt 1.067.837 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2013, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ. Huy động vốn và cho vay vốn đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng trong năm 2014, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Nhiệm vụ năm 2015 của ngành tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh thực hiện quá trình tái cơ cấu hoạt động và đổi mới mô hình tăng trưởng; tập trung các giải pháp xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua kênh đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh; mở rộng và phát triển các hoạt động dịch vụ ngân hàng.
Mục tiêu cụ thể của năm 2015 là tăng trưởng tín dụng 12 -13%, tăng trưởng vốn huy động 11%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, kết quả kinh doanh tăng trưởng dương và cao hơn năm 2014.
Với thành công trong năm qua, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp sẽ được NHNN Chi nhánh TP.HCM triển khai thực hiện ra sao trong năm nay, thưa ông?
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong năm 2014 đã được nhân rộng ở tất cả các quận, huyện, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thấp và cơ cấu lại nợ. Kết thúc năm 2014, Chương trình đã tổ chức được 31 đợt ký kết, với tổng số tiền 40.057 tỷ đồng, cho hơn 1.143 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình... vay vốn, tăng gấp 2 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Kế hoạch năm 2015, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại đang hoạt động trên địa bàn Thành phố, Chương trình sẽ giải ngân trên 60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn 5,5 - 7%/năm và trung, dài hạn thấp nhất là 7%/năm. Đây sẽ là kênh dẫn vốn hiệu quả của ngân hàng tới khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn lãi suất thấp.