Thanh Hóa sẽ loại bỏ những dự án thủy điện dưới 10 MW

"Vài MW không giải quyết được gì nhưng chúng ta lo ngay ngáy", Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giải thích lý do loại thủy điện nhỏ.
Giám đốc Sở Công thương Thanh Hoá - Lê Tiến Lam trả lời chất vấn HĐND. Ảnh: Lê Hoàng. Giám đốc Sở Công thương Thanh Hoá - Lê Tiến Lam trả lời chất vấn HĐND. Ảnh: Lê Hoàng.

Ngày 11/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương đã giải trình việc quy hoạch dự án thủy điện trên địa bàn.

Ông Lam cho biết hiện Thanh Hóa có hai quy hoạch thủy điện do Bộ Công Thương phê duyệt là thủy điện bậc thang sông Mã và thủy điện nhỏ, gồm 21 dự án với tổng công suất 825 MW.

Các dòng sông có nhiều thủy điện như sông Mã 7 dự án, sông Chu 4 dự án, sông Lò 3 dự án… Hiện 13 dự án đã đầu tư xây dựng; 8 dự án đang lập hồ sơ dự toán trình xem xét.

Hầu hết đại biểu cho rằng, quy hoạch mạng lưới thủy điện ở Thanh Hóa đang tồn tại nhiều bất cập, như khoảng cách quá gần, thu hồi đất với số lượng lớn vượt quá quy định của Bộ Công Thương; vấn đề môi trường, tái định cư cho người dân vùng bị ảnh hưởng chưa được quan tâm đúng mức.

"Một huyện mà có đến bốn nhà máy thủy điện, khoảng cách ngắn, cắt khúc, làm thay đổi dòng chảy, phá vỡ môi trường. Có nhiều thủy điện vượt diện tích quy định rất lớn, vậy khâu kiểm tra thẩm định thế nào", ông Cầm Bá Chái, đại biểu HĐND huyện Lang Chánh, chất vấn.

Theo ông Chái, việc có những dòng sông như sông Lò, sông Mã gánh trên lưng 5-7 dự án thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích rừng, trồng lúa của người dân...

Trả lời đại biểu Chái, ông Lê Tiến Lam giải trình, ban đầu khi lập dự án, nhà đầu tư thường báo cáo ít ảnh hưởng đến đời sống, diện tích rừng, đất canh tác, nhưng khi triển khai lại lấy nhiều đất rừng, đất lúa. "Lỗi này có thể do chủ quan của nhà đầu tư, hơn nữa Sở Công Thương thẩm tra cũng chưa thấu", ông Lam đánh giá.

Theo Giám đốc Sở Công Thương, việc mất đất lúa, cát lòng hồ là không thể tránh khỏi. Sở sẽ rà soát các dự án thủy điện nếu xét thấy đủ điều kiện thì chấp thuận, ngược lại không có lợi thì đề nghị tỉnh cho dừng lại.

Không cho doanh nghiệp lập quy hoạch thủy điện trên địa bàn

Chủ trì kỳ họp, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, đã nêu ra nhiều vấn đề cấp bách về quy hoạch dự án thủy điện, đồng thời đưa ra các hướng chỉ đạo.

Theo ông Chiến, nhiều dự án thủy điện ở Thanh Hóa đã đóng góp cho lưới điện quốc gia, giải quyết được tình trạng cắt lũ, phân lũ.

Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà máy thủy điện phải đi đôi với tái định cư, định canh cho bà con bị ảnh hưởng. "Đối với miền núi mất đi vài sào lúa, sào đất là rất nguy hiểm cho vấn đề an ninh lương thực tại chỗ", ông Chiến đánh giá.

"Theo tôi, những dự án có công suất nhỏ nên thôi, cỡ 10 MW trở xuống không nên làm vì kiểm tra làm sao hết được mà hậu quả để lại nguy hiểm. Kể cả những dự án lớn, nếu rà lại không đảm bảo tiêu chí theo quy định của Bộ Công Thương, Chính phủ… cũng nên loại ra. Vài MW, không giải quyết được gì nhưng chúng ta lo ngay ngáy", ông Chiến nêu ý kiến.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá, những dự án hiện đã chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch cũng phải kiểm tra lại cho kỹ càng, nếu chưa cần thiết, chưa đảm bảo các quy định của pháp luật thì cần xem xét kỹ, cần thiết rút chủ trương đầu tư.

Ông Chiến cũng cho rằng cần nghiên cứu có biện pháp phù hợp, hạn chế tiến tới không cho doanh nghiệp lập quy hoạch đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn.

"Doanh nghiệp lập dự án bao giờ cũng phải có lợi ích, nên dự án có ảnh hưởng người ta cũng viết nhỏ đi, có tác động gì đó người ta cũng viết ít đi… để được các cơ quan chức năng đồng ý cho họ làm", ông Chiến phát biểu.

Ông thẳng thắn nhìn nhận "các sở, ban ngành năng lực anh em còn hạn chế, không loại trừ khả năng có sự tiếp tay cho các doanh nghiệp, bài binh bố trận làm thế nào để qua được, để trình chủ tịch UBND tỉnh ký cho các ông ấy". 

Thanh Hóa sẽ loại bỏ những dự án thủy điện dưới 10 MW ảnh 1

 Một góc thuỷ điện Xuân Minh đặt trên sông Chu. Ảnh: Lam Sơn.

Chốt lại vấn đề, ông Trịnh Văn Chiến yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng tổng kiểm tra tất cả dự án thủy điện, nếu dự án nào trì trệ, chậm tiến độ thì nên rút giấy phép.

Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII diễn ra trong ba ngày 9-11/7. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa tập trung chất vấn Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ về một số vấn đề tồn tại. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thanh Hóa dự kiến thông qua nghị quyết lấy năm 1029 là năm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục