Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 36 công ty, doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp. Hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra hết sức phức tạp, một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng danh nghĩa hoạt động bán hàng đa cấp chân chính để biến tướng theo phương thức bán hàng đa cấp bất chính với nhiều hành vi, thủ đoạn tinh vi.
Hình thức các công ty đa cấp biến tướng lừa đảo thực hiện cung cấp những mặt hàng kém chất lượng hoặc không có giá trị sử dụng để bán với giá “trên trời” sau đó thổi phồng tính năng của sản phẩm, người tham gia mạng lưới không hưởng được lợi ích từ việc bán sản phẩm mà miễn sao lôi kéo người khác tham gia càng nhiều thì hoa hồng càng lớn.
Công ty Cổ phần Nhượng quyền Thiên Lộc bị người dân tố cáo có dấu hiệu lừa đảo
Các công ty này không quan tâm đến việc đầu tư cho sản phẩm mà chỉ đánh vào lòng tham của người tham gia với những lời hứa hẹn “có cánh” về tương lai giàu có, mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Đặc biệt là những đối tượng người dân thiếu hiểu biết nhất là vùng nông thôn, miền núi, “bão đa cấp” quét qua các bản, làng, thôn xóm khiến không ít người điêu đứng.
Những hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp biến tướng đã để lại những hậu quả khôn lường khi đẩy người tham gia vào cảnh “tan cửa nát nhà” và con số nạn nhân của những vụ lừa đảo ngày càng gia tăng.
Nhiều chương trình hết sức hấp dẫn được công ty đưa ra nhằm lôi kéo người dân nhẹ dạ, cả tin lao vào vòng xoáy đa cấp. Chỉ cần bỏ ra số tiền, thời gian ngắn sẽ thu về một khoản lãi khủng khi mở rộng các chân rết bán hàng cho mình.
Thông thường muốn đặt chân vào mạng lưới này, người tham gia phải mua một số lượng hàng hóa, chủ yếu là mua bán trên giấy vì sau đó người mua lại phải viết giấy gửi lại hàng vừa mua ngay tại công ty. Cứ dụ dỗ người thân, bạn bè, hàng xóm được nhiều người tham gia thì lợi nhuận càng cao… Đến khi muốn bước chân ra thì vô cùng khó. Hàng muốn trả lại thì bị cản trở trăm đường, muốn chấm dứt hợp đồng, đòi lại tiền cũng không dễ.
Mới đây, bà Nguyễn Thị H (SN 1961), tại TP.Thanh Hóa là nạn nhân của Công ty Cổ phần Nhượng quyền Thiên Lộc (văn phòng đóng tại đường Dương Đình Nghệ - TP Thanh Hóa) đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo công ty này có dấu hiệu lừa đảo bà. Trong đơn gửi cơ quan chức năng, bà H cho biết, bà được nhân viên công ty đến nhà và mời ra văn phòng để tư vấn về sản phẩm và quyền lợi của công ty. Nhân viên công ty cho biết hàng tháng không cần làm gì cũng được hưởng phần trăm lợi nhuận. Sau một tháng bà sẽ có 120 triệu đồng.
Đơn tố cáo của bà H gửi cơ quan chức năng
Bà cho biết lúc đó bà như bị thôi miên nên tin tưởng và đã đồng ý tham gia. Bà H đã đóng cho công ty 480 triệu đồng. Số tiền trên bà H phải đi vay lãi để đưa cho nhân viên công ty. Tuy nhiên, sau một thời gian, thấy không có lợi nhuận thu về trong khi hàng tháng bà vẫn phải trả số tiền cả gốc và lãi vô cùng cao. Bà H đã viết đơn đề nghị công ty cho bà được rút tiền về. Tuy nhiên, phía công ty nhiều lần tìm cách lẩn trốn và không giải quyết. Bà H lâm vào nợ nần chồng chất.
Không riêng gì bà H, trên địa bàn Thanh Hóa, hiện có rất nhiều nạn nhân bị “dính bẫy” đa cấp. Lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, tuần nào cũng nhận được đơn tố cáo của người dân liên quan tới các công ty đa cấp.
Sản phẩm của công ty Cổ phần Nhượng quyền Thiên Lộc
Bà Phạm Thị Tĩnh, Trưởng phòng Quản lý thương mại – Sở Công thương Thanh Hóa cho biết: “Theo chức năng được giao, Sở thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động như: Lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính. Hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình đa cấp bao gồm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và các nghĩa vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo quy định pháp luật chuyên ngành. Tất nhiên, để không bị mất tiền oan, người dân cần trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết khi tham gia đa cấp”.
Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa thừa nhận hiện tình hình bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Ông Hùng khuyến cáo: “Người dân phải thật sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bước chân vào hệ thống đa cấp. Bởi vào thì dễ, khi rút ra vô cùng khó, thiệt hại luôn thuộc về phía người tham gia”.
“Hồ sơ của các công ty này rất hoàn hảo, sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc, được các cơ quan của Bộ thẩm định, cấp phép. Khi về tới địa phương và thực tế hoạt động mới phát sinh nhiều vấn đề nhiêu khê. Sở Công Thương Thanh Hóa cũng rất đau đầu về vấn đề này. Nhiều lần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng đã khuyến cáo người dân hãy cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia đa cấp. Đừng ảo tưởng, nghe lời đường mật của các đơn vị này mà tiền mất, tật mang” – ông Hùng nói.
Mới đây, tại Thanh Hóa là Công ty Cổ phần Đầu tư xúc tiến thương mại Hợp Phát cũng bị Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương phát hiện những sai phạm và xử lý.
Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh ra thông báo để người dân biết và cảnh giác. Trường hợp phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này, đề nghị thông báo với Sở Công Thương, cơ quan Công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời.