Chiều nay (16/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết (với tỷ lệ 100% đồng ý) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa (trong đó có cả thành lập thị trấn Nưa) và Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc TP. Hải Dương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thanh Hoá có phương án thực hiện sắp xếp 146 đơn vị hành chính cấp xã thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Trong đó, đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp 69 đơn vị, đơn vị hành chính cấp xã liên quan 77 đơn vị. Sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa giảm 76 đơn vị (từ 635 còn 559).
Còn thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ 21,20 km2 diện tích tự nhiên, dân số 9.638 người của xã Tân Ninh.
Tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách liên quan sắp xếp là 2.842 người. Tỉnh Thanh Hoá dự kiến bố trí đúng quy định và có phương án sắp xếp hợp lý số dôi dư.
Còn với Hải Dương, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện việc sắp xếp là 55 đơn vị, gồm: 27 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp; 22 đơn vị có liên quan liền kề; 6 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp.
Thành phố Hải Dương được mở rộng trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 5 xã thuộc 3 huyện.
Trong phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm rõ tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Bởi theo kế hoạch, đến cuối năm 2019 phải cơ bản sắp xếp xong nhưng hiện tại mới chỉ có đề án của 4 tỉnh được Chính phủ chuyển sang cơ quan thẩm định của Quốc hội.
“Thanh Hoá đi đầu cả nước, kế đến là Hải Dương, vậy các tỉnh khác thì thế nào? Không biết Chính phủ có phương án nào để kịp tiến độ?”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi.
Giải đáp băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết cơ bản các địa phương đã gửi đề án sắp xếp. Bộ Nội vụ cũng đã thẩm định đề án của 24 tỉnh (chiếm hơn 67% số đơn vị sắp xếp), số địa phương còn lại có số đơn vị phải sắp xếp không nhiều.
Cũng theo ông Lê Vĩnh Tân, sắp tới Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp thẩm định ngay từ đầu, cũng như việc lấy ý kiến thành viên Chính phủ nhanh hơn thì tiến độ trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ đảm bảo.