Thành công chống Covid-19 tại Việt Nam là bài học quý cho Mỹ

Chưa đầy 3 tháng sau khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được xác nhận trên đất Mỹ, số ca tử vong vì virus này tại Mỹ đã bỏ xa con số 58.220 lính Mỹ chết trong gần 2 thập kỷ của chiến tranh Việt Nam (1955-1975).
Với 270 ca nhiễm Covid-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Trong ảnh: Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cấp thuốc cho bệnh nhân để tiếp tục điều trị bệnh nền sau khi ra viện. Với 270 ca nhiễm Covid-19 trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Trong ảnh: Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế cấp thuốc cho bệnh nhân để tiếp tục điều trị bệnh nền sau khi ra viện.

3 chiến thuật then chốt

Những ngày kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Việt Nam ghi dấu son về cuộc chiến chống Covid-19 khi không ghi nhận ca mắc mới trong nước gần 2 tuần qua. Cây bút bình luận Adam Taylor của tờ Washington Post cho rằng, thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 như một sự trùng hợp khi cách đây 45 năm, sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cũng đã đặt dấu chấm hết cho chiến tranh Việt Nam.

Dù tiếp giáp với Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình thấp và quy mô dân số lớn, nhưng Việt Nam lại trở thành hình mẫu với thành công “ngoại lệ” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Với 270 ca nhiễm Covid-19 (230 trường hợp đã khỏi bệnh) trong 100 triệu dân, hệ số lây nhiễm dịch bệnh ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Đó là thành tích phi thường của Việt Nam trong cuộc chiến này.

Việt Nam cũng dần gỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng kể từ tháng 2, với nhiều nhà hàng, cửa hiệu và tiệm cắt tóc hoạt động trở lại từ tuần trước.

Nhắc lại lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 trong tuần này rằng “Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19”, cây bút bình luận Taylor cho rằng thành công của Việt Nam khác xa với những câu chuyện chống dịch ở các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thành công của Việt Nam trở nên “ngoại lệ” và phi thường ở chỗ Việt Nam không có tiếng và thế mạnh về công nghệ như Hàn Quốc hay Đài Loan, trong khi lãnh thổ Việt Nam lại không hề nhỏ như Hong Kong hay Iceland.

Cắt nghĩa câu chuyện thành công của Việt Nam, 2 chuyên gia là Robyn Klingler-Vidra từ Đại học Hoàng gia London và Trần Bá Linh từ Đại học Bath (Anh) chung nhận định, thành công đó đến từ 3 chiến lược then chốt được Chính phủ áp dụng rộng rãi, bao gồm sàng lọc và kiểm tra thân nhiệt, khoang vùng và phong tỏa khu vực có dịch và liên tục trao đổi thông tin.

Dĩ nhiên, có rất nhiều quốc gia cũng tiến hành xét nghiệm Covid-19, thậm chí là xét nghiệm trên diện rộng. Thực tế, số lượng các xét nghiệm Covid-19 mà Việt Nam thực hiện ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Đơn cử, Mỹ thực hiện hơn 5 triệu xét nghiệm Covid-19, trong khi Việt Nam đã thực hiện khoảng 200.000 xét nghiệm. “Tuy nhiên, nếu chúng ta tính số xét nghiệm Covid-19 trên đầu ca nhiễm tại Việt Nam, thì đó là điều giúp Việt Nam gặt hái thành công ‘ngoại lệ’ đó”, cây bút Taylor bình luận.

Việt Nam bắt đầu xét nghiệm Covid-19 từ rất sớm, đồng thời tăng cường sản xuất các bộ kit xét nghiệm trong nước ngay sau khi ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên vào tháng 1.

Cây bút của Washington Post đánh giá cao việc Việt Nam tiến hành theo dõi dịch tễ của người bệnh và những đối tượng liên quan một cách chặt chẽ và rộng rãi, cùng với việc cách ly nghiêm ngặt những người bị nghi mắc Covid-19 ở các cơ sở y tế do Chính phủ thiết lập.

Đáng khen hơn là việc Chính phủ Việt Nam triển khai áp dụng rộng rãi tin nhắn và các ứng dụng để tuyên truyền và khuyến cáo người dân về tình hình dịch Covid-19. Song song với đó là công bố rộng rãi số ca mắc bệnh và thông tin liên quan trên website của Bộ Y tế.

Tờ Washington Post cũng dẫn ý kiến của một số chuyên gia y tế Mỹ cho biết họ tin tưởng vào số liệu về tình hình dịch Covid-19 mà Việt Nam công bố. Điều này là có cơ sở bởi Việt Nam cũng từng ghi nhận các ca mắc SARS vào năm 2003, nhưng nhanh chóng được quốc tế ca ngợi là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công dịch bệnh này.

Tờ báo Mỹ cũng nhấn mạnh đến bình luận của 2 chuyên gia Lê Triển Vinh và Nguyễn Huy Quỳnh của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trên tờ Diplomat rằng “Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra rằng việc che đậy thông tin kiểu Trung Quốc sẽ chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn”.

Cơ hội để Việt - Mỹ xích lại gần nhau hơn

Ký ức về chiến tranh vẫn hiện hữu ở Việt Nam và Mỹ. Với những người cùng thế hệ như Nguyễn Huy Quỳnh, cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam giống như “cuộc tổng tiến công mùa Xuân 2020” và nó gợi nhớ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

Còn cựu binh George Black (Mỹ) thì gọi cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam là “dư âm vang vọng” của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Từ những “cựu thù” trong quá khứ, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Tuy không dễ dàng, nhưng nếu Việt Nam có thể tránh được làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2 với nguy cơ tàn phá nặng nề hơn, chắc chắn Việt Nam và Mỹ có thể nhích lại gần nhau hơn, tờ Washington Post bình luận.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn “những người bạn ở Việt Nam” vì đã chuyển chuyến hàng thứ nhất trong số 2 lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam tới Mỹ. Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đều khẳng định đây là minh chứng cho quan hệ đối tác Việt - Mỹ.

Thành công của Việt Nam trong chống dịch Covid-19 chủ yếu đến từ những quyết sách quan trọng được thực hiện ngay từ đầu năm nay, trong khi Mỹ lúc đó vẫn trong giai đoạn “suy nghĩ ma thuật”.

Với hàm ý cuộc chiến chống Covid-19 vẫn chưa kết thúc đối với bất kỳ ai, tờ Washington Post đã nhắc lại khuyến cáo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuần trước rằng: “Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Chúng ta đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước”.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục