Tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục

(ĐTCK) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2025 đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2024.

So với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch, lượng khách tháng 1/2025 cao hơn đến 37,8%.

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 1,8 triệu lượt người, chiếm 86,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 228.400 lượt người, chiếm 11,0% và tăng 29,1%; bằng đường biển đạt 44.900 lượt người, chiếm 2,2% và giảm 7,2%.

Khách quốc tế đến Việt Nam theo tháng (nghìn lượt).

Đáng chú ý, Trung Quốc đã quay trở lại là thị trường gửi khách số 1 của du lịch Việt Nam với 575.000 lượt, chiếm 27,7%. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 1/2029 (đạt 373.500 lượt), tăng 54%.

Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), sự phục hồi ấn tượng của thị trường Trung Quốc nhờ có hàng loạt hoạt động kết nối khơi thông thị trường, tăng cường hợp tác trao đổi khách du lịch giữa các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, tháng 11/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL đã tổ chức chương trình giới thiệu văn hóa, du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh và Côn Minh vinh dự đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa, du lịch giữa hai nước.

Tiếp đó, Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 417.000 lượt (chiếm 20,1%). Campuchia xếp thứ 3 (100.000 lượt), Mỹ xếp thứ 4 (93.000 lượt), Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 5 (91.000 lượt). Tiếp theo là Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan.

Ngoài ra, sự vươn lên của thị trường Campuchia cũng là một điểm nhấn. Cả năm 2024 có 475.000 lượt khách từ Campuchia, riêng tháng 1/2025 đã có khoảng 100.000 lượt khách đến từ thị trường này, đưa Campuchia từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 3 trong top 10 thị trường hàng đầu.

10 thị trường gửi khách hàng đầu tháng 1/2025 (nghìn lượt).

Mặt khác, động lực tăng trưởng chính trong tháng 1/2025 đến từ thị trường lớn Trung Quốc tăng 137,4% so với cùng kỳ năm 2024; Campuchia tăng mạnh 168,6%, Mỹ tăng 22,3%; Nhật Bản tăng 19,3%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 8,5%; Úc tăng 7,1%, Ấn Độ tăng 5,2%.

Ngoài ra, còn có sự tăng trưởng từ các thị trường gần khu vực Đông Nam Á như Philippines (tăng 104,9%), Lào (tăng 99,4%), Indonesia (tăng 7,5%).

Tháng 1/2025 tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng khả quan từ các thị trường châu Âu được miễn thị thực đơn phương, trong đó có Nga (tăng 116,8%), Anh (tăng 13,8%), Pháp (tăng 16,1%), Đức (tăng 22,9%). Bên cạnh đó là Italy (tăng 21,8%), Tây Ban Nha (tăng 7,2%), Đan Mạch (tăng 17,8%), Na Uy (tăng 35,6%), Thụy Điển (tăng 31,8%).

Trung tâm Thông tin du lịch đánh giá, sự tăng trưởng từ các thị trường này tiếp tục cho thấy hiệu quả cao từ chính sách nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho 13 nước được miễn thị thực đơn phương theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/8/2023.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khu vực dịch vụ, du lịch là một trong hai nhóm động lực chính cần tập trung thúc đẩy. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo cần đẩy mạnh cải tiến sản phẩm du lịch, đồng thời nghiên cứu và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để thu hút khách du lịch quốc tế. Một trong những biện pháp quan trọng là cải thiện chính sách thị thực, trong đó xem xét miễn thị thực có thời hạn cho một số nhóm du khách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn.

Trung tâm Thông tin du lịch kỳ vọng rằng, với sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, cùng nỗ lực của toàn ngành du lịch, năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy các thành quả tích cực thời gian qua, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế.

Hồng Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục