Tháng 9, dự báo chu kỳ tăng trưởng mới

(ĐTCK) Bước sang tháng 9, TTCK có thể sẽ đi vào một thời kỳ tăng trưởng mới sau khi tích lũy vững tại vùng 600 điểm. Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS).
Tháng 9, dự báo chu kỳ tăng trưởng mới

Theo ông, vì sao VN-Index chưa thể vượt qua vùng kháng cự 610 điểm?

Hơn 3 tuần trở lại đây, VN-Index trong xu hướng đi ngang và chưa thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 610 điểm, bởi một số nguyên nhân chính.

Thứ nhất, thị trường đã có đợt hồi phục hình chữ V sau sự kiện biển Đông đầu tháng 5. Sau đó, thị trường tiếp tục hồi phục thêm một nhịp nữa từ vùng 580 điểm lên trên vùng 600 điểm do tác động tích cực từ những dự báo kết quả kinh doanh của các DN niêm yết. 

Mốc 605 - 610 điểm, vùng đỉnh cũ của 2014 và cũng là vùng đỉnh cao nhất trong 5 năm trở lại đây, vì vậy, ngưỡng kháng cự kỹ thuật và tâm lý này chưa thể vượt qua khi hầu hết thông tin tốt về kết quả kinh doanh đã phản ánh vào giá và nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh hơn 50% kể từ đáy.

Thứ hai, kết quả kinh doanh thực tế của các DN niêm yết nhìn chung không được như kỳ vọng của NĐT, nhất là các mã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số. Trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và tổng kết 6 tháng đầu năm, những cổ phiếu có vốn hóa lớn như GAS, VIC, VNM, MSN đều có kết quả kinh doanh kém hơn năm ngoái. Đặc biệt, MSN giảm lợi nhuận 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó ảnh hưởng đáng kể đến giao dịch tại các mã này và khiến chỉ số VN - Index lình xình đi ngang. 

Các mã bluechips và midcap trong VN30 như FPT, CSM, DRC, OGC, DPM, HSG, REE… cùng có kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ, trong khi sự hồi phục về giá đã diễn ra khá mạnh trước đó khiến nhóm cổ phiếu này thiếu đi sự hấp dẫn.

Thứ ba, NĐT nước ngoài chuyển từ mua ròng sang bán ròng. Tổng lượng bán ròng trong 12 phiên liên tiếp gần đây lên tới 1.445 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, có tín hiệu rút vốn nhẹ của hai quỹ ETF là VNM ETF và FTSE Vietnam. Diễn biến này có thể chỉ là đợt cơ cấu danh mục và khả năng sẽ giảm dần trong tháng 9 tới đây. Điểm lạc quan hơn là lượng cung này từ NĐT ngoại đều được hấp thụ hết và mức điều chỉnh vừa qua của thị trường là không đáng kể. Đây chính là tín hiệu tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn.

Vậy yếu tố thúc đẩy VN-Index vượt đỉnh 610 điểm trong phiên hôm qua là gì, thưa ông?

Một điểm đáng chú ý, đó là các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn vẫn thay phiên nhau đỡ chỉ số duy trì trên mốc 600 điểm, điển hình như GAS, VIC, MSN, PVD. Nhóm dầu khí tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường như PVS, PVD, PVC, PGS, PXS với tín hiệu tăng giá khá tốt.

Nhìn chung, dòng tiền nội ngắn hạn vẫn tiếp tục duy trì và tăng ổn định trong những phiên gần đây, tuy nhiên mức độ chọn lọc là rất cao, chủ yếu xoay quanh một số cổ phiếu thuộc nhóm midcap và bluechips có kết quả kinh doanh 6 tháng tốt như: KDC, PVD, PVB, PVS, PXS, PVC, PGS, SSI, CVT...

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu cơ cũng có xu hướng hoạt động mạnh dần lên tại một số cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao như: VIS, VNE, KSH, TIG, ITA, SAM, KBC, MHC...

Phiên giao dịch ngày hôm qua (21/8), VN-Index đã bứt phá lên trên vùng 610 điểm, có lúc lên tới 617 điểm với khối lượng tăng khá mạnh. Mốc này có thể được kiểm nghiệm lại trong một vài phiên tới, nhưng nhìn chung, VN-Index có thể tăng tiếp nếu khối lượng giao dịch vẫn duy trì tại vùng tốt như hiện tại, VN-Index có thể đạt ngưỡng kháng cự gần nhất tại 620 - 630 điểm trong 1 tháng tới.

Ông dự báo ra sao về xu hướng thị trường trong tháng 9?

Thị trường tháng 9 sẽ lạc quan hơn, có thể sẽ đi vào một thời kỳ tăng trưởng mới sau khi tích lũy vững tại vùng 600 điểm, VN - Index tiếp cận ngưỡng kháng cự gần nhất tại 630 điểm khi kết quả kinh doanh quý III sớm hé lộ cùng với những ngành có lợi nhuận ổn định và tăng trưởng. 

Đó là các ngành có tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm như: thiết bị và dịch vụ dầu khí (PVD, PVC, PVB, PVE, PVS); vật liệu xây dựng và nội thất (CVT, SCJ, VCS); hàng may mặc (TCM), dược phẩm (DCL, DMC, SPM, VMD), logistic (VSC, GMD, PDN, STG); sản xuất và phân phối điện (VSH, TBC, SJD, SBA, NLC…); nuôi trồng nông, thủy sản (FMC, ICF, TS4, MPC, VHC), xây dựng (PXS, CTD, C32…), môi giới chứng khoán (BVS, HCM, KLS, SHS…).

Với những nhận định trên, ông có khuyến nghị gì với NĐT trong ngắn hạn?

Về kỹ thuật, sau khi tích lũy đi ngang quanh vùng 600 - 610 điểm, thị trường đã có tín hiệu bứt phá về điểm số cũng như khối lượng giao dịch đã củng cố cho khả năng vượt ra ngoài khoảng dao động hẹp. Mặc dù mốc 611 điểm có thể được kiểm nghiệm lại trong một vài phiên tới, tuy nhiên, tôi tin rằng, thị trường đã chính thức bứt phá đi lên.

Chiến lược giao dịch trong giai đoạn này, NĐT có thể xem xét giải ngân tại những ngành, những doanh nghiệp tăng trưởng trong 6 tháng. Tiếp tục mua và nắm giữ các mã có yếu tố cơ bản và định giá tốt. Với NĐT lướt sóng, có thể xem xét mua vào một số mã đầu cơ có thanh khoản cao, với yếu tố cơ bản không quá xấu.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục