Sau làn sóng các công ty lên niêm yết vào cuối năm 2006, Công ty cổ phần Địa ốc Chợ Lớn là DN đầu tiên niêm yết trong năm 2007. Không giống như thời điểm cuối năm ngoái, cổ phiếu của DN, nhất là những DN bất động sản chuẩn bị niêm yết đều gây xôn xao thị trường OTC thì bây giờ, thông tin các công ty chuẩn bị niêm yết được nhà đầu tư đón nhận như một thông tin tham khảo. Cơ hội đầu tư lướt sóng những cổ phiếu chuẩn bị niêm yết trước kia rất lớn thì bây giờ hầu như không còn. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại rằng, sau cơn sốt OTC, cổ phiếu khi niêm yết trên sàn chính thức với những quy định bắt buộc về minh bạch thông tin sẽ điều chỉnh về giá trị thực, thấp hơn giá mà thị trường OTC đã đẩy lên trước đó.
Mặt khác, với tình hình thị trường như hiện nay, khi nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu OTC quá lâu có tâm lý chờ DN lên sàn để bán ra, (nếu không có thông tin đặc biệt tốt) nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư thì những DN đã trót đẩy giá cổ phiếu lên cao quá vào thời kỳ thị trường OTC lên cơn sốt phải dè chừng… Sẽ "rất quê" nếu nhiều nhà đầu tư bán ra, giá cổ phiếu trên sàn xác lập ở mức giá thấp hơn mức giá cũ một khoảng cách lớn.
Cho dù không nói ra, nhưng tâm lý của hầu hết DN là không muốn trong ngày chào sàn giá cổ phiếu giảm, hoặc là tăng chút ít rồi giảm liên tục trong những ngày tiếp theo. Việc niêm yết trên sàn là sự kiện quan trọng khi công ty có dịp quảng bá hình ảnh, được giới truyền thông nhắc đến tên tuổi nên hình ảnh công ty sẽ sáng hơn nếu giá cổ phiếu tăng.
Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường như hiện nay kéo dài thêm vài tháng nữa, ngay cả công ty tốt cũng lo ngại khi niêm yết bởi các cổ phiếu vốn được ưa chuộng trên thị trường OTC từ lâu, có thông tin tốt về chia tách cổ phiếu mà giá vẫn giảm, thậm chỉ giảm ngoài dự đoán của các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm. Vậy những cổ phiếu mới, chưa thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư sẽ ra sao?
Theo ông Bùi Văn Tuynh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Đại Việt, giá cổ phiếu phụ thuộc khoảng 70% vào bản thân các công ty, 30% còn lại phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Vì thế, nếu niêm yết trong thời điểm thị trường không thuận lợi, giá cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng. "Tuy nhiên, tôi không cho đó là vấn đề quan trọng, niêm yết là chiến lược phát triển lâu dài. Trong lúc thị trường khó khăn thì công ty nên tập trung củng cố sản xuất kinh doanh. Khi đó, giá cổ phiếu sẽ được thị trường đón nhận một cách tích cực", ông Tuynh nói.
Trên thực tế, khi vốn trên thị trường bị hút vào các đợt IPO lớn, nhiều DN nhỏ đã phải hoãn các cuộc phát hành cổ phiếu tăng vốn. Thực tế, một công ty bất động sản đã phải hoãn phát hành, ngoài ra còn điều chỉnh giá bảo lãnh phát hành từ hơn 70.000 đồng xuống 50.000 đồng/cổ phiếu.
Với những thông tin chuẩn bị IPO trong năm nay của các DN lớn như Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), nhiều DN đang lo ngại sẽ bị ảnh hưởng nếu niêm yết cùng thời điểm. Gần như đã có quy luật khi chuẩn bị IPO DN lớn, một lượng tiền mặt lớn được rút ra khỏi thị trường niêm yết để chuẩn bị đấu giá làm cho TTCK giảm hẳn.
Tuy nhiên, lộ trình niêm yết đã công bố vẫn phải thực hiện, DN chỉ có thể trì hoãn trong thời gian 3 tháng kể từ khi được cấp phép. Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất lúc này là DN nên làm tốt việc công bố thông tin trước khi niêm yết. Đồng thời, với sự tư vấn của khối công ty chứng khoán, kế hoạch tăng vốn điều lệ, chia thưởng cổ phiếu phù hợp sẽ giúp DN tối ưu hoá lợi ích của việc niêm yết trong điều kiện hiện nay.