Thị trường bước sang tháng 7 với thông tin GDP quý II tăng trưởng 5,675% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP đã cao hơn so với quý I (5,43%) do yếu tố mùa vụ, nhưng vẫn duy trì ở mức thấp do chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua. Với kỳ vọng GDP cả năm tăng trưởng ở mức 6,1% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra của Quốc hội), nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Trong báo cáo tháng này, chúng tôi sẽ đưa ra một số mô tả tổng quát chu kỳ kinh doanh và khuyến nghị phân bổ tài sản. Chúng tôi cũng vẫn tiếp cận theo 3 hướng: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích tâm lý nhà đầu tư.
Phân tích cơ bản
Lạm phát trong ngắn hạn sẽ ổn định ở mức cao
Chính phủ vừa điều chỉnh mục tiêu lạm phát trong năm nay lên 15 - 17%. Đây có thể là lần điều chỉnh cuối cùng bởi hầu hết các tổ chức đều đã dự báo mức lạm phát của Việt Nam xoay quanh mức này. Trong báo cáo mới nhất, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay có thể lên tới 16,7%, chỉ xếp sau mức dự báo tăng 24,1% của Argentina. Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, lạm phát của Việt Nam trong tháng 7 sẽ tăng quanh mức 1%.
Lãi suất ngắn hạn sẽ điều chỉnh giảm trong thời gian tới
Sự kiện đáng chú ý trong tháng 6 là sự thành công của các đợt gọi thầu trái phiếu chính phủ. Có những phiên đấu thầu, tỷ lệ đặt mua gấp 5 lần tỷ lệ chào bán. Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ liên tục giảm, đặc biệt với kỳ hạn 5 năm. Quy luật chung là lãi suất dài hạn bao giờ cũng giảm trước, rồi tới các kỳ hạn ngắn hơn và cuối cùng là lãi suất huy động. Với việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm trúng thầu ở mức 12%/năm trong lần gọi thầu gần nhất thì chúng ta có thể kỳ vọng lãi suất kỳ hạn loại 2 - 3 năm sẽ giảm tương ứng khoảng 50 điểm cơ bản sau đó và tiếp theo là lãi suất huy động sẽ giảm khoảng 300 điểm cơ bản từ mức hiện tại.
Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự sụt giảm lãi suất ngắn hạn, nhưng mức độ giảm sẽ không quá nhiều, bởi lạm phát kỳ vọng vẫn ở mức cao.
Với việc TTCK đang ở trạng thái giảm giá dài hạn như hiện tại, một vài tín hiệu vĩ mô tích cực có thể thúc đẩy sự thay đổi về mặt tâm lý và nhà đầu tư sẽ dễ dàng mua vào, nhất là trong bối cảnh nhiều cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm.
Những quy định mới sẽ giúp thị trường minh bạch hơn
Kể từ ngày 1/7, một loạt văn bản mới bắt đầu có hiệu lực như: Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Quy chế niêm yết mới trên hai sàn chứng khoán hay quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Điểm chung của các văn bản này là tiêu chuẩn về niêm yết, phát hành, xử phạt… đều tăng so với những quy định cũ. Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam minh bạch hơn, hàng hóa niêm yết sẽ có chất lượng cao hơn và các mức xử phạt mới cũng cao hơn. Mặc dù những quy định này vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn của thế giới, nhưng chúng tôi tin rằng, phần lớn nhà đầu tư sẽ đón nhận một cách tích cực. Khi niềm tin trở lại thì thị trường có cơ hội tăng trưởng bền vững hơn.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết sẽ phân hóa, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới thị trường
Ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đối với thị trường sẽ không đáng kể. Có một vài lý do như sau:
Các doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ ít chịu ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ và kết quả kinh doanh duy trì ở mức tốt, nhưng giá cổ phiếu ở mức khá cao và phụ thuộc nhiều vào sức cầu của khối ngoại.
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu nông sản, thủy sản, cao su tự nhiên… sẽ vẫn là nhóm duy trì kết quả kinh doanh tốt do hưởng lợi từ giá xuất khẩu tăng cao trong thời gian vừa qua, nhưng phần lớn cổ phiếu trong nhóm này trong hơn 1 năm trở lại đây rơi vào trạng thái kiệt quệ về thanh khoản.
Nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt thị trường tăng điểm mạnh là chứng khoán và bất động sản thì khó có khả năng có kết quả kinh doanh tốt, trừ một vài công ty cá biệt. Đây là hai nhóm ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất của chính sách thắt chặt tiền tệ.
Nhóm vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ sẽ có kết quả kinh doanh không tốt.
Bức tranh lợi nhuận sẽ có sự phân hóa lớn, chứ không sụt giảm đồng loạt như năm 2008, nhưng khả năng tạo sóng của thị trường là một dấu hỏi lớn khi nhóm ngành có khả năng dẫn dắt sẽ không có kết quả kinh doanh tốt.
Chu kỳ kinh tế và chiến thuật phân bổ tài sản
Chúng tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể đang ở nửa cuối giai đoạn tăng trưởng chậm lại hoặc đầu thời kỳ suy thoái (đã có một số đề xuất nới lỏng tăng trưởng tín dụng lên 23% thay vì mức 20% như hiện tại). Nhưng chúng tôi không biết thời gian này sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Tuy nhiên, có thể cân nhắc việc phân bổ một phần danh mục vào những cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất.
Phân tích kỹ thuật
Sau khi phục hồi tăng điểm mạnh khi xuất hiện hai mẫu hình Bullish Harami, hai sàn đã có chuỗi tăng điểm ấn tượng trong nửa đầu tháng 6 trước khi điều chỉnh giảm điểm và đi ngang khi không thể chinh phục ngưỡng kháng cự động MA(50) vào nửa cuối tháng 6. TTCK Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “hôn mê sâu” và dường như chiến thuật đánh nhanh rút gọn đang được áp dụng một cách triệt để. Nhưng “sóng thường bắt đầu từ gió” và đợt phục hồi từ cuối tháng 5 cũng là tín hiệu khá tích cực đối với thị trường.
VN-Index đang biến động theo mô hình tam giác và đang đi tới những điểm cuối cùng. Khối lượng giao dịch sụt giảm khi tiến về vùng hỗ trợ là khá tích cực. Một điểm tích cực khác là chỉ báo Stochastic đang ở vùng quá bán và StoCCI đã cắt đường tín hiệu StoCCIma. Nhưng với mô hình này, chiến thuật giao dịch là chờ đợi khi tín hiệu xác nhận một cách rõ ràng đặc biệt trong bối cảnh RSI(14) nằm ngang. Dải Bollinger Band đang thu hẹp, báo hiệu sắp có một thời kỳ biến động giá mạnh. Nếu có “Break Down” xảy ra thì nhiều khả năng VN-Index sẽ kiểm tra mốc đáy cũ. Trong trường hợp ngược lại, tín hiệu mua vào sẽ xác nhận khi VN-Index bứt phá qua mốc 450 điểm với khối lượng giao dịch tăng trở lại. Chúng tôi xin lưu ý rằng, do VN-Index bị ảnh hưởng bởi nhóm vốn hóa lớn, nên thị trường chỉ thực sự bước vào chu kỳ tăng giá nếu chinh phục mốc 450 điểm có sự có mặt của nhóm cổ phiếu đầu cơ, chứ không phải do VIC, BVH, MSN, VNM tăng giá.
HNX-Index đã có một đợt tăng điểm khá sau khi có mẫu hình Bullish Butterfly trên đồ thị tuần. Mẫu hình đồ thị ngày của HNX-Index là mẫu hình tạo đáy “BARR Bottom”. Với mẫu hình này, sau khi có “Break out” tại điểm số (2), HNX-Index đã gặp ngưỡng kháng cự động MA(50), tạo đỉnh và điều chỉnh giảm giá trở lại. Nguyên tắc thông thường thì đây là một “Throwback” nhằm kiểm tra lại đường kháng cự số (2) vừa phá vỡ mà nay sẽ trở thành đường hỗ trợ. Với mẫu hình “BARR Bottom” thì vùng giá kết thúc sự điều chỉnh này thường tương ứng với vùng đỉnh của đợt điều chỉnh từ đáy tương ứng với mốc 71 điểm trên đồ thị. Trong trường hợp diễn biến của thị trường trong tuần đầu tháng 7 không có tín hiệu khả quan, thì chúng tôi thiên về khả năng thị trường thiết lập mô hình đáy đôi đảo chiều, với hỗ trợ là đường số (1) trên đồ thị tuần. Nếu điều này xảy ra, mẫu hình hai đáy đảo chiều sẽ trên đồ thị tuần có sự kết hợp của phân kỳ dương giữa đường giá và RSI(14). Do vậy, nếu giá giảm nhanh thì việc kỳ vọng vào sóng tăng giá tiếp theo sẽ đến sớm hơn. Dựa trên yếu tố thị giá của cổ phiếu cùng với các yếu tố cơ bản của cổ phiếu thì thấy, xác suất cổ phiếu giảm giá thêm 50% thấp hơn nhiều so với khả năng tăng giá thêm 50%.
Do vậy, về mặt nào đó có thể coi thị trường đang trong khu vực tạo đáy. Điểm đáng lo sợ nhất có lẽ là việc thị trường sẽ đi ngang với khối lượng giao dịch thấp và kéo dài, bởi trong lịch sử chúng ta đã từng chứng kiến chuỗi đi ngang kéo dài tới 3 năm của TTCK Việt Nam.
Phân tích dựa trên tâm lý NĐT
Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6, thị trường lại rơi vào cảnh “chợ chiều cuối đông” với những phiên giao dịch đi ngang và thanh khoản sụt giảm mạnh. Hiện nay, tâm lý nhà đầu tư tập trung vào hai vấn đề:
Dự thảo thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng thay thế cho Thông tư 13/19, trong đó có Điều 16 quy định về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Nhiều phương tiện truyền thông đang cho rằng, với quy định mới, tỷ lệ dòng vốn vào TTCK qua kênh tín dụng sẽ sụt giảm mạnh. Vấn đề này khiến nhiều nhà đầu tư thêm bi quan về viễn cảnh thị trường.
Lo sợ làn sóng thoái vốn từ các quỹ: từ năm 2012 sẽ bắt đầu làn sóng thoái vốn, khoảng hơn 3.400 tỷ đồng; từ 2013 đến 2015, số vốn có thể bị rút khỏi thị trường lần lượt là 31.615 tỷ đồng, 20.608 tỷ đồng và 7.421 tỷ đồng. Đây là một áp lực với TTCK nói chung.
Tóm lại, những rủi ro đối với TTCK Việt Nam vẫn còn khá lớn, nhưng cơ hội sinh lời cũng rất cao. Điều quan trọng lúc này chính là thanh khoản của thị trường. Nếu thanh khoản quay trở lại mức 30 triệu cổ phiếu/phiên thì dù thị trường đi xuống hay đi lên đều mở ra cơ hội sinh lợi đối với nhà đầu tư. Trong khi đó, nếu thanh khoản sụt giảm và thị trường tiếp tục đi ngang thì đó là tín hiệu xấu với nhà đầu tư nói chung cũng như đối với các CTCK nói riêng.