Tháng 7, bỏ vốn vào cổ phiếu ngành nào?

(ĐTCK) Các chuyên gia chứng khoán đều có chung niềm tin vào triển vọng tăng tiếp của chỉ số VN-Index trong tháng 7, khi các doanh nghiệp niêm yết bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II. Dự báo các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nay từ các chuyên gia cũng có sự trùng hợp.
Tháng 7, bỏ vốn vào cổ phiếu ngành nào?

Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dược phẩm… hứa hẹn có kết quả kinh doanh tốt

 Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)

Trước khi thực sự bước vào kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý II, thị trường có 2 tuần trống thông tin hỗ trợ.

Điểm số thị trường đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm nay, vì vậy, khả năng thị trường sẽ giằng co, thậm chí điều chỉnh nhẹ trong nửa đầu tháng 7, sau đó tiếp tục xu thế tăng trong nửa cuối tháng (cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý II và nhiều thông tin có thể được hé lộ).

Còn về trung và dài hạn, thị trường vẫn trong xu thế tăng trưởng tích cực do được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố vĩ mô tích cực như lãi suất thấp, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức cao...

Các ngành có kết quả kinh doanh tốt trong quý II dự báo là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, dược phẩm, thực phẩm - đồ uống, hàng tiêu dùng…

Cụ thể, đối với ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức cao hơn nhiều so với bình quân 5 năm trở lại đây nên dự báo lợi nhuận sẽ khả quan. Nhóm ngân hàng vẫn đóng vai trò dẫn dắt thị trường chung.

Còn với nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhờ thị trường vẫn giao dịch sôi động, thanh khoản cao, xu thế tăng giá cổ phiếu khá rõ. Đây là điều kiện tốt để các công ty chứng khoán tăng doanh thu từ cả mảng dịch vụ chứng khoán, cho vay margin và có kết quả đầu tư tốt từ mảng tự doanh.

Các nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng hứa hẹn kết quả kinh doanh tốt. Đây là nhóm hưởng lợi theo chu kỳ kinh tế. Từ 2015 đến nay, các nhóm này tăng trưởng tích cực.

Nhóm dược phẩm, thực phẩm - đồ uống, hàng tiêu dùng, những lĩnh vực mang tính ổn định cao trong nền kinh tế, tiếp tục được kỳ vọng sẽ duy trì kết quả kinh doanh tốt như nhiều năm qua.

Một số nhóm ngành khác đáng chú ý như vận tải được hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm trong quý II; nhóm thủy điện (khu vực miền Trung) được hưởng lợi khi lượng mưa trong quý II nhiều, sản lượng điện tăng khá.

P/E 16 lần chưa thể gọi là đắt

Ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc khối Nguồn vốn và Đầu tư, CTCK ACBS 

Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhờ thông tin vĩ mô tích cực, lãi suất ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp so với đầu năm, tăng trưởng GDP cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, sự tăng trưởng tích cực của VN-Index còn nhờ việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Chỉ số P/E toàn thị trường hiện khoảng 16 lần. Với diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm hiện nay ở mức khoảng 5,7%/năm, theo mô hình FED - mô hình ngân hàng trung ương, chỉ số P/E trên thị trường chứng khoán phải tương đương 17 lần. Có nghĩa là, với mức lợi suất trái phiếu hiện nay, VN-Index có thể tăng thêm 5%, vì vậy, mức P/E 16 lần chưa thể gọi là đắt.

Từ nay đến cuối năm, VN-Index hoàn toàn có thể cán mốc 800 điểm. Tuy nhiên, chỉ số có thể đạt ngưỡng này trong tháng 7 hay không thì còn phụ thuộc vào kết quả lợi nhuận quý II/2017 của doanh nghiệp sắp công bố.

Mặt khác, với các diễn biến vĩ mô khá tốt, chỉ số giá tiêu dùng thấp, tạo nên bức tranh vĩ mô khá tốt, thị trường sẽ có diễn biến khả quan.

Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng còn phụ thuộc vào động thái khối ngoại, mà khối này vẫn đang mua ròng tích cực.

Dĩ nhiên, thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố và những sự kiện không lường trước được, nhưng với những yếu tố hiện nay, chưa có dấu hiệu điều chỉnh sâu với VN-Idex trong tháng 7 này.

70 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đạt 14%

 Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Giám đốc Khối phân tích khách hàng cá nhân, CTCK Maybank Kim Eng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 6 tháng đầu năm 2017 rất tích cực. VN-Index đã tăng 15,1%, con số này nhanh hơn so với hầu hết các thị trường châu Á còn lại như Philippines (tăng 11,6%), Indonesia (tăng 9,3%), Singapore (tăng 10,4%)…

Điểm đáng chú ý nhất là việc khối ngoại đã giải ngân rất mạnh vào thị trường Việt Nam suốt trong các qua. Tính riêng HSX, khối ngoại đã mua ròng gần 9.000 tỷ đồng tại sàn này – một con số rất đáng kể.

Về yếu tố kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, thống kê của Maybank KimEng trong Top 70 các doanh nghiệp lớn nhất đang niêm yết thì tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng đạt gần 14% (nếu loại bỏ nhóm dầu khí, con số tăng trưởng đạt 17%).

Đây là con số cao hơn mức trung bình của khu vực và là minh chứng cho sự cải thiện tốt hơn trong kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Do đó, đây cũng là nguyên nhân có thể lạc quan cho triển vọng thị trường trong mùa báo cáo giữa năm 2017.

Bước sang tháng 7, các yếu tố thuận lợi vẫn chiếm ưu thế hơn. Từ 2008 đến nay, VN-Index có 6/9 năm tăng điểm trong tháng 7, với mức tăng trung bình 2,2%, một con số khá đáng kể. Dựa trên các thống kê về chu kỳ, chúng tôi cho rằng, giai đoạn tháng 7 sẽ tiếp tục là khoảng thời gian thuận lợi của thị trường.

VN-Index tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong suốt tháng 6 vừa qua. Kết quả này giúp đường giá duy trì việc di chuyển trong kênh giá tăng ngắn hạn kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay. Thứ tự các MA tiếp tục cho xác nhận về việc duy trì xu hướng tăng trong cả ngắn và trung hạn dành cho VN-Index.

Điều tương tự cũng được xác nhận với MACD. Ở kịch bản tích cực, VN-Index sẽ sớm tiến nhanh hơn lên vùng cận trên của kênh giá tăng (785 – 790 điểm) trước khi thực hiện một pha tích lũy ngắn. Kịch bản tiêu cực hơn sẽ xuất hiện khi đường giá giảm và đi ra khỏi tầm ảnh hưởng của kênh giá tăng ngắn hạn. Khi đó, các vùng hỗ trợ tiếp theo sẽ quanh khu vực 760 điểm (MA-20) và 740 điểm (MA-50).

“Thị trường tháng 7 không có rủi ro đáng kể”

 Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, CTCK KIS Việt Nam

Mặt bằng kết quả kinh doanh quý II năm nay của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ cao hơn so với cùng kỳ 2016 và cao hơn quý trước, hứa hẹn tạo tâm lý tích cực và thu hút dòng tiền nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong 1, 2 tuần nay, thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ và nhanh chóng hồi phục, cho thấy dòng tiền thông minh dự đoán được kết quả kinh doanh quý II, nên không rút ra.

Tháng 7 cũng là tháng cuối cùng để doanh nghiệp chốt danh sách cổ đông trả cổ tức, đa phần doanh nghiệp đã trả hết nên sẽ là động lực cho thị trường. Khả năng, xu hướng tăng điểm sẽ kéo dài đến tuần cuối tháng 7. Sẽ có những phiên điều chỉnh, nhưng đỉnh sau sẽ cao hơn đỉnh trước. Theo tôi, có tới 3/4 số cổ phiếu trên sàn có kết quả kinh doanh tích cực hơn, độ rộng thị trường lan tỏa hơn.

Khối ngoại sẽ mua ròng, bởi việc Fed tăng lãi suất đã được mổ xẻ kỹ, nên sẽ không là “cú sốc” về tài chính, dòng tiền khối ngoại sẽ không rút ròng. Chính phủ đã tạo được niềm tin với nhà đầu tư nên họ đang có động thái giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, thị trường chứng khoán gần như không có rủi ro nào đáng kể. VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 780 - 800 điểm.

Kết quả kinh doanh quý II đã phản ánh phần nào vào giá cổ phiếu

 Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối Khách hàng cá nhân, CTCK SSI

Tháng 7 là thời điểm tương đối khó khăn cho thị trường, nếu kịch bản lạc quan thì thị trường tháng 7 sẽ đi ngang hoặc khả năng chỉ số có thể điều chỉnh, nhưng sẽ có sự phân hóa. Mặt bằng chung kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể tốt hơn cùng kỳ năm 2017, nhưng không cao hơn quý I, ngoại trừ các ngành như tiêu dùng, ngân hàng, vật liệu xây dựng, chứng khoán.

Nhà đầu tư cần lưu ý, ở những doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh tốt gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu phần nào, thể hiện rõ ở diễn biến trong tháng 5 và 6 với nhiều lo ngại thị trường lình xình, nhưng rõ ràng thị trường vẫn rất tốt.

Đáng chú ý, đòn bẩy tài chính của các nhà đầu tư trong tháng 6 luôn duy trì ở mức rất cao mà thị trường không giảm, có nghĩa dòng tiền vào thị trường rất mạnh và tâm lý nhà đầu tư chưa muốn bán ra do kỳ vọng thị trường vẫn còn đi lên.

Tuần trước, có một phiên giảm mạnh, nhưng lượng margin không giảm nhiều, thậm chí còn tăng sau đó. Do vậy, sự điều chỉnh này là tốt cho thị trường khi chỉ số đã tăng cao và giảm tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường, qua đó, giúp thị trường có cơ sở tăng tiếp.

Phan Hằng - Phạm Nhi ghi nhận.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục