Tháng 6: Thời cơ tích lũy cổ phiếu

(ĐTCK-online) Thời gian qua, VN-Index có nhiều phiên mất điểm rất mạnh khiến nhiều người lý giải rằng, đó là áp lực từ đòn bẩy tài chính khiến nhiều CTCK thực hiện giải chấp ồ ạt (bán cổ phiếu cầm cố của nhà đầu tư). Tuy nhiên, lý giải này có vẻ không được thuyết phục lắm vì cho đến nay, chẳng ai có được con số thống kê chính xác về số tiền dùng đòn bẩy tài chính trên TTCK Việt Nam hiện là bao nhiêu, cũng như tình trạng cầm cố chứng khoán của nhà đầu tư tại các CTCK như thế nào.
Trên TTCK, bên cạnh hoạt động đầu tư, hoạt động đầu cơ cũng luôn tồn tại song hành. Trên TTCK, bên cạnh hoạt động đầu tư, hoạt động đầu cơ cũng luôn tồn tại song hành.

Theo tôi, hoạt động đầu cơ luôn luôn tồn tại trên mọi thị trường (thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, cũng như TTCK).

Về bản chất, đầu cơ không phải là xấu và đó chỉ là một trong nhiều dạng thức đầu tư trên thị trường - sự đầu tư vào cơ hội sẽ xuất hiện trên thị trường trong tương lai.

Trên TTCK cũng vậy, bên cạnh hoạt động đầu tư, hoạt động đầu cơ cũng luôn tồn tại song hành. Tùy theo mức độ ổn định của thị trường, sự bất đối xứng về thông tin, mức độ giám sát của cơ quan quản lý thị trường…, mà hoạt động đầu cơ chiếm ưu thế hoặc trở nên mờ nhạt trước hoạt động đầu tư của thị trường.

Trên TTCK nước ta hiện nay, hoạt động đầu cơ đang thực sự chiếm ưu thế và có thể phân chia thành nhiều nhóm nhà đầu cơ khác nhau tùy theo thời gian dự tính (ngày, tuần hoặc tháng, quý…), theo nguồn vốn (vốn tự có hoặc là vốn vay mượn), theo tính chất của nguồn vốn (nguồn vốn vay nóng hay vay có kỳ hạn dài)…

Với mỗi loại đầu cơ như vậy, sự ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai đến các hành vi mua bán của họ lại rất khác nhau.

Sự suy giảm kéo dài trên các TTCK thế giới thời gian vừa qua đã làm nảy sinh nghi ngờ, liệu sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ ra sao?

Điều này đã có những ảnh hưởng tác động khác nhau đến sức chịu đựng và hành vi mua bán của những nhóm nhà đầu cơ trên TTCK nước ta.

Chắc chắn những nhà đầu cơ sử dụng vốn vay nóng sẽ bị tác động mạnh nhất và phản ứng “đôminô” đã xảy ra trên TTCK nước ta trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, chính cú giảm điểm trên TTCK Việt Nam vừa qua đang khiến thị trường trở nên hấp dẫn, nhiều loại cổ phiếu đã ở mức giá hơp lý để mua vào.

Bức tranh chung của nền kinh tế thế giới hiện nay, theo tôi, là tương đối sáng với các chỉ số kinh tế cơ bản của nhiều nước trên thế giới đang ngày càng được cải thiện hơn.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp (Hy Lạp chỉ chiếm 2% GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu) có ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu, mà nhiều hơn đó lại là cơ hội để Mỹ và các nền kinh tế lớn ở khu vực Eurozone (Đức, Pháp) đẩy nhanh việc thông qua các đạo luật cải tổ một cách toàn diện hệ thống tài chính, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững và ổn định trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc đồng EURO yếu cũng tạo kiện cho hoạt xuất khẩu của khu vực Eurozone.

Sau khi “chữa bệnh” thành công cho hệ thống ngân hàng và ổn định lại nền kinh tế, các nền kinh tế phát triển đang hướng đến việc trị tận gốc những di chứng của hệ thống tài chính. Nhưng công cuộc trị bệnh này của Mỹ và của khu vực Eurozone chắc chắn sẽ không bằng phẳng và do vậy, những trồi sụt của TTCK thế giới sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới và TTCK Việt nam sẽ tiếp tục còn bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Tại Việt Nam, công việc chữa trị các căn bệnh của hệ thống tài chính nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 của Chính phủ đang được triển khai quyết liệt.

Việc tập trung mọi dòng vốn của xã hội vào khu vực sản xuất - kinh doanh đang được đẩy nhanh và giám sát chặt chẽ.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu ngành tài chính, theo tôi, không phải là sự lựa chọn hấp dẫn hiện nay, do nỗ lực cải cách hệ thống tài chính toàn cầu cũng như tại Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, nên ngành này có thể sẽ tiếp tục phải đối diện với khả năng suy giảm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Cổ phiếu ngành sản xuất phục vụ cho tiêu dùng trong nước đang có ưu thế, trong bối cảnh thông điệp từ Chính phủ cũng như Quốc hội đều cho thấy quyết tâm dồn sức cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, quyết tâm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh để giữ đà tăng trưởng GDP đạt và vượt kế hoạch.

Trong lúc giá nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh như hiện nay thì những DN được hưởng lợi chính là những DN nhập nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước.

Như vậy, tháng 6 là thời cơ để tích lũy cổ phiếu một cách có chọn lọc.

Phạm Kinh Luân, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, CTCK Kenanga - Việt Nam
Phạm Kinh Luân, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, CTCK Kenanga - Việt Nam

Tin cùng chuyên mục