Tháng 6: mong manh đà tăng mới

(ĐTCK) Kể từ giữa tháng 5, thị trường đã có một nhịp tăng khá tích cực, nhiều cổ phiếu có mức hồi phục khá lớn. 
Tháng 6: mong manh đà tăng mới

Tuy nhiên, không phải NĐT nào cũng có thể hưởng trọn vẹn đà tăng này. Trên thực tế, những lo ngại xung quanh các vấn đề đang diễn ra, đặc biệt là những lo ngại rủi ro trước diễn biến căng thẳng trên biển Đông, đã khiến nhiều NĐT “nhanh tay” chốt lời hoặc “lỡ tàu” ở những nhịp tăng. Dòng tiền dù được đánh giá đã bắt đầu quay trở lại nhưng chưa nhiều, chủ yếu mới chỉ khuấy động mạnh ở nhóm cổ phiếu thị giá thấp, đầu cơ mạnh, như DLG, PVX, FLC, ASM, PTL, KMR... và nhóm Largecap như GAS, MSN, VIC, BVH. Với nhóm cổ phiếu cơ bản như FPT, HSG, BMP, DPR, DRC..., hầu hết mới là nhịp tăng nhẹ và đi ngang với thanh khoản thấp.

Trong những phiên giao dịch gần đây, nhịp hồi phục có dấu hiệu chững lại và nếu không có sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu lớn GAS, MSN, VNM, đà tăng của chỉ số VN-Index khó giữ được 5 phiên liên tiếp. Câu hỏi đặt ra là, nhóm cổ phiếu lớn này sẽ còn tăng đến bao giờ để tiếp tục hỗ trợ cho thị trường?

Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường cũng khiến dòng tiền trở nên e dè và đó cũng chính là lý do vì sao ở 2 phiên cuối tuần qua, dù có những thời điểm thị trường tăng mạnh, nhưng dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp đã có 2 - 3 phiên sụt giảm liên tiếp và đang bước vào nhịp điều chỉnh. Với những yếu tố đang hình thành như vậy, cộng với việc khối ngoại đang có dấu hiệu giảm nhiệt, đặc biệt là tháng 6 luôn là tháng bán ròng của khối này, liệu dòng tiền nội có trụ vững? Chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn đang có sự đan xen giữa cả kỳ vọng lẫn hoài nghi, nên ở tuần tới, có thể 2 kịch bản sẽ xảy ra: đi ngang hoặc giảm nhẹ.

Với việc VN-Index chốt phiên ngày 30/5 tại mốc 562,02 điểm, tức vẫn đang trong vùng nhạy cảm 550 - 560 điểm và đã trải qua 2 phiên liên tiếp bứt phá mà chưa thành công, trong đó có sự hỗ trợ nhiều từ nhóm cổ phiếu lớn, nhất là khi khối ngoại đang mua vào nhóm này với tỷ lệ cao. Nhiều lý giải cho rằng, NĐT nước ngoài mua mạnh để chốt số liệu tháng 5. Vậy khi bước vào tháng 6, nếu lực mua này giảm sút thì yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường?

Do đó, ở kịch bản thị trường đi ngang, chúng tôi kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu cơ bản khi mà yếu tố khiến nhóm này giảm mạnh không có nhiều. Trong khi nhóm cổ phiếu Penny đã có 3 phiên giảm điểm và đang quay lại sát vùng hỗ trợ. Hai nhóm này có thể sẽ giữ nhịp cho thị trường kể cả khi nhóm cổ phiếu lớn giảm điểm.

Nhưng ở kịch bản thứ 2, nếu như sự hỗ trợ của khối ngoại yếu đi, rất có thể lực bán sẽ gia tăng, mà nhóm khiến chỉ số giảm mạnh lại chính là nhóm Largecap khi đã tăng mạnh tuần trước. Nếu điều này xảy ra, nhiều khả năng chỉ số sẽ lại quay trở lại khu vực 540 điểm, đồng thời thanh khoản sẽ sụt giảm xuống mức thấp hơn. Khi đó, nhóm cổ phiếu chịu tác động mạnh sẽ là nhóm Largecap và nhóm Penny.

Ngược với VN-Index, HNX-Index, do không có sự trợ giúp nào, nên chỉ số này đã giảm điểm trong 2 phiên cuối tuần trước. Được đánh giá là phản ánh khá sát với thị trường, nên căn cứ theo chỉ số này để nhìn nhận thị trường có phần thực tế hơn. Với mức đóng cửa 75,79 điểm và đang tiến sát tới ngưỡng hỗ trợ tại vùng 74 điểm, có thể HNX-Index sẽ chịu thêm một vài phiên điều chỉnh với mức giảm thấp dần trước khi tăng trở lại.

Một dòng tiền vẫn đang đứng ngoài và chưa gia nhập thị trường, đặc biệt là những NĐT đã lỡ với nhịp hồi phục vừa qua. Do vậy, sẽ có một lượng tiền lớn đang chờ đợi một nhịp điều chỉnh để có thể gia nhập trở lại. Dù chưa thể tạo động lực cho một đà tăng mới, nhưng chắc chắn sẽ hỗ trợ rất tích cực, giúp cho thị trường không bị điều chỉnh quá sâu. Tuy nhiên, khi nhóm cổ phiếu cơ bản vẫn đang lình xình, hay nói cách khác là dòng tiền chưa quan tâm tới nhóm này, thì khả năng bứt tốc vẫn còn bỏ ngỏ.

CTCK IVS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục