Tháng 6, chứng khoán có đổi màu?

(ĐTCK) Gần 2 tháng qua, thị trường chứng khoán hầu như chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index giảm trên 22% (tính đến ngày 28/5), không ít cổ phiếu giảm giá từ 30 - 50%. Trong tâm lý bi quan chung, kỳ vọng chứng khoán đổi sang màu xanh đang được nhen nhóm.
So với đỉnh, hiện có hơn 50 mã cổ phiếu giảm giá trên 50%, gần 100 mã giảm từ 30 - 50%... So với đỉnh, hiện có hơn 50 mã cổ phiếu giảm giá trên 50%, gần 100 mã giảm từ 30 - 50%...

Dòng vốn nội không đủ lực giữ thị trường cân bằng

Phiên 28/5, tâm lý lo ngại thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm bao trùm lên hầu hết nhà đầu tư và trong góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán. Nhiều ý kiến đánh giá, sau một vài nhịp hồi phục yếu, vận động trong kênh giá hẹp, lượng tiền kỳ vọng chỉ số VN-Index duy trì mốc 1.000 điểm đã tiến hành giải ngân, nhưng rồi kết quả không như mong đợi.

Từ mức trên 1.200 điểm ngày 9/4/2018, đến ngày 28/5, VN-Index chỉ còn 931,7 điểm. Thị trường đang phải đối diện với áp lực giải chấp chứng khoán giao dịch ký quỹ (margin) đối với các nhà đầu tư bắt đáy, kỳ vọng ở nhịp hồi 1.000 điểm trước đó.

“Tuy vậy, áp lực giải chấp đang được các công ty chứng khoán kiểm soát, bởi lượng tiền margin sử dụng mua bắt đáy không nhiều”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nhận xét.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho rằng, tâm điểm xuyên suốt của đợt giảm điểm hiện nay vẫn đến từ yếu tố bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại bán ròng có thể vì muốn tái phân bổ các dòng vốn cho tình hình mới của mặt bằng lãi suất diễn ra trên toàn cầu, lấn át niềm tin và lượng tiền của khối nội, dẫu có mạnh mẽ đến đâu cũng không đủ lực giữ thị trường cân bằng.

“Khi lượng cổ phiếu được khối ngoại bán ra vượt quá sức hấp thụ thì mặt bằng giá tất nhiên phải giảm, nói theo ngôn ngữ quản lý thì lượng tiền mới gia nhập thị trường không đủ bù đắp lượng tiền rút ra”, vị tổng giám đốc công ty chứng khoán nói.

Theo đó, yếu tố quan trọng nhất lúc này vẫn là dòng tiền với tâm điểm ở khối ngoại. Mặt bằng giá dù hạ thấp, nhưng khối này tiếp tục bán ròng thì khả năng thị trường hồi phục vẫn khó khăn khi tâm lý nhiều nhà đầu tư đang hoảng loạn.

Cùng với đà lao dốc về điểm số, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam điều chỉnh mạnh và hiện đã giảm xuống dưới mức 18 lần, so với mức 22 lần trước khi diễn ra đợt sụt giảm (ngày 9/4/2018).

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích, Công ty Khứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, thị trường có thể tiếp tục dò đáy với các nhịp trồi sụt, biến động mạnh trong giai đoạn đầu tháng 6, sau đó tìm lại được điểm cân bằng và bước vào một nhịp hồi phục tính bằng tuần.

Tháng 6, dự báo các yếu tố tác động và kịch bản của VN-Index

Theo ông Bình, có 2 yếu tố có thể tác động mạnh đến thị trường trong tháng 6 tới. Đối với các yếu tố trong nước, những thông tin ước tính về kết quả kinh doanh quý II/2018 của các doanh nghiệp sẽ có tác động đáng kể đến diễn biến giá cổ phiếu.

Ở góc độ các yếu tố ngoại biên, khả năng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo có xác suất xảy ra trên 90%. Những tín hiệu phát đi từ cơ quan này trong kỳ họp vào trung tuần tháng 6 sẽ có tác động mạnh đến diễn biến lợi suất trái phiếu của Mỹ (đang gây ra nhiều quan ngại cho nhà đầu tư và được xem là nguyên nhân chính đằng sau làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi thời gian qua) và có ảnh hưởng đến diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là động thái giao dịch của khối ngoại.

Những yếu tố khác tác động đến thị trường trong tháng 6 là diễn biến giá dầu, ngày chào sàn của Techcombank, lịch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn, một số công ty chứng khoán chào bán sản phẩm chứng quyền có bảo đảm…

“Về trung hạn, tôi đánh giá cao những nhóm ngành cơ bản như công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và vật liệu cơ bản. Còn về ngắn hạn, nhóm ngân hàng, chứng khoán có thể có sức bật lại tốt, sau một nhịp giảm sâu”, ông Bình cho biết.

Xét phân tích kỹ thuật, ông Vũ Minh Đức, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhìn nhận, thị trường chứng khoán vẫn đang nằm trong nhịp giảm điểm khi VN-Index mất ngưỡng hỗ trợ 965 điểm của đường trung bình động 200 ngày (MA200) và bước vào “thị trường con gấu” (thị trường đi xuống kéo dài).

Hiện tại, định giá của nhiều cổ phiếu chủ chốt đã trở nên hấp dẫn, nhưng trên phương diện phân tích kỹ thuật, rất có khả năng đà giảm giá sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa đầu tháng 6. Trong kịch bản xấu, VN-Index có thể chạm vùng 840 điểm trước khi có thể tạo đáy ngắn hạn.

Theo ông Đức, ngoài kỳ đảo danh mục quý II/2018 của các quỹ ETF ngoại (MVIS và FTSE Vietnam) sẽ ảnh hưởng tới cung cầu của một số cổ phiếu, thị trường chứng khoán trong tháng 6 sẽ cần tìm lời giải cho một số yếu tố được cho là nguyên nhân của đợt giảm điểm từ ngày 10/4/2018 đến nay.

Thứ nhất, đó là việc Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất, củng cố xu hướng dịch chuyển dòng tiền từ các nước mới nổi về Mỹ, trong đó Việt Nam ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng khi mà khối ngoại liên tiếp bán ròng trong thời gian gần đây.

Thứ hai, nhóm cổ phiếu dầu khí liên tục bị bán ra ở mức giá thấp, thậm chí với giá sàn, trong những ngày cuối tháng 5 là do yếu tố cung cầu, hay do yếu tố chính trị?

Ngoài ra, áp lực giải chấp cũng sẽ là yếu tố khiến cho nhà đầu tư lo lắng, trong bối cảnh khá nhiều cổ phiếu lớn đã giảm giá từ 30 - 50%.

Khi thị trường tạo đáy và hồi phục thì bản thân các cổ phiếu blue-chip bị bán mạnh trong thời gian vừa qua, trong tất cả các ngành quan trọng như ngân hàng, hàng tiêu dùng, dầu khí, bất động sản..., đều có cơ hội bật lại.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhóm không tăng giá quá nhiều trong đợt tăng đầu năm của VN-Index, nhưng lại bị giảm mạnh theo thị trường trong tháng 4 - 5, hiện đang có mức định giá thấp, sẽ là cơ hội cho dòng tiền đầu tư giá trị.

Với 7/8 tuần giảm điểm kể từ đỉnh 1.200 điểm của VN-Index, Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, quá trình dò đáy của thị trường chứng khoán sẽ kết thúc tương ứng với mức P/E vào khoảng 16 lần.

Thống kê của MBS về những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán cho thấy, thời gian bình quân để thị trường tạo đáy kể từ mức đỉnh vào khoảng 9,5 tuần giao dịch. Hiện tại, thị trường đang ở tuần giao dịch thứ 8 kể từ đỉnh 1.200 điểm và chỉ số đã giảm hơn 22%, trong đó không ít cổ phiếu giảm giá từ 30 - 50%, tạo mức hấp dẫn về định giá.

Theo MBS, về mặt kỹ thuật, các chỉ báo xu hướng đang cho dấu hiệu thị trường đã đi vào vùng “quá bán”, trong khi về mặt tâm lý thị trường sau giai đoạn liên tục bull-trap (bẫy tăng giá, tức giá tiếp tục giảm sâu sau một vài phiên hồi phục), các vòng trading T+ (đầu cơ ngắn hạn) hầu hết đều cho kết quả tổn thất nặng nề thì đến thời điểm này, thị trường đã bước sang giai đoạn chán nản và buộc phải bán, một số cổ phiếu rơi vào trạng thái call margin (yêu cầu bổ sung ký quỹ margin)…

Quá trình này dẫn đến thanh khoản tăng và dấu hiệu khối lượng đi trước giá sẽ dẫn đến sự đảo chiều của xu hướng giá.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận chiến lược thị trường của MBS cho rằng, thị trường chứng khoán vừa trải qua cơn bão giảm giá trong gần 2 tháng, trong đó có cả nguyên nhân nội tại và sự ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu.

Bước sang tháng 6, sự chú ý của thị trường có thể sẽ bắt đầu trở lại với các hoạt động cơ cấu danh mục định kỳ của các quỹ ETF, chủ yếu là Vaneck và FTSE, cũng như khả năng Fed sẽ thực hiện tăng lãi suất. Xu thế “outflow” (rút vốn) toàn cầu tại một số quốc gia mới nổi như Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina cũng ít nhiều tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp ở thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, thực tế một số quỹ lớn đến từ châu Á tham gia thị trường từ cuối năm 2017 vẫn chưa có hoạt động bán ra, một số quỹ bán ra nhằm tái cơ cấu danh mục. Nhìn chung, dòng tiền đang chờ cơ hội để giải ngân.

Nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh, cơ hội bật lại nhanh

Từ vùng đỉnh 1.200 điểm ngày 9/4, cho đến phiên 28/5, tức trong vòng gần 2 tháng, VN-Index giảm khoảng 270 điểm, tương đương mức giảm trên 22%. Không ít cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn nhiều so với chỉ số, thậm chí giảm hơn 50% như LAF, HSG, TRA, DCL…

Thống kê từ một số công ty chứng khoán cho thấy, số lượng cổ phiếu giảm giá trên 50% từ đỉnh hiện là hơn 50 mã, số mã giảm từ 30 - 50% là gần 100 mã, những mã giảm từ 10 - 30% khoảng 180 mã, còn lại là những mã giảm dưới 10% và một số mã đi ngược với xu hướng thị trường.

Có thể thấy, cơn bão giảm giá diễn ra quá nhanh này gây ra thiệt hại nặng nề, đặc biệt với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy vậy, những mã cổ phiếu giảm giá quá mạnh có cơ hội bật lại nhanh khi thị trường hồi phục và phần thưởng đang dành cho những người biết chờ đợi. Tháng 6, kỳ vọng chứng khoán sẽ đổi màu.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ