Tháng 4, giao dịch của khối ngoại sẽ cân bằng hơn

(ĐTCK) Trái với kết quả mua ròng mạnh trong tháng 2 với giá trị 1.100 tỷ đồng, khối NĐT nước ngoài đột ngột chuyển sang bán ròng trong hầu hết tháng 3. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích, CTCK Maybank Kim Eng, trong tháng 4, hoạt động giao dịch của khối ngoại sẽ cân bằng hơn, nhất là các quỹ đầu tư cân nhắc kỹ hơn trước khi bán và sẵn lòng hơn ở chiều mua vào.
Thời gian qua, nhiều mã cổ phiếu ngành dầu khí bị khối ngoại bán ròng
Thời gian qua, nhiều mã cổ phiếu ngành dầu khí bị khối ngoại bán ròng

Trong tháng 3 vừa qua, khối NĐT nước ngoài bán ròng tổng cộng 917 tỷ đồng. Động thái bán ròng của khối ngoại nằm trong xu hướng rút vốn tại các thị trường mới nổi. Đã có những tác động trực tiếp lên các quỹ ETF đang giao dịch tại TTCK Việt Nam, dẫn đến tình trạng vốn liên tiếp bị rút khỏi các quỹ này.

Mặt khác, những thông tin bất lợi đến từ dòng cổ phiếu dầu khí thời gian qua khiến khối ngoại quyết liệt hơn trong hoạt động thoái vốn. GAS và PVD là hai mã thường xuyên dẫn đầu các mã có giá trị bán ròng nhiều nhất.

Những phiên giao dịch đầu tháng 4, thanh khoản có xu hướng giảm. Đặc biệt, thị trường khởi động tuần giao dịch này (6/4) với diễn biến trầm lắng, thanh khoản ở mức thấp nhất trong nhiều phiên. Trên sàn HOSE chỉ có 54,7 triệu đơn vị được khớp lệnh với giá trị 857 tỷ đồng, giảm thêm 16% so với mức thấp cuối tuần trước. Tương tự, sàn HNX có 23,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị 304 tỷ đồng (-5,9%). Tuy nhiên, phiên hôm qua (7/4), thị trường tăng điểm và giao dịch khá sôi động.

Điểm đáng khích lệ trong các phiên giao dịch gần đây là khối ngoại có dấu hiệu quay trở lại xu hướng mua ròng. Giá trị mua ròng tuy không lớn, nhưng động thái này đã hỗ trợ tâm lý cho các NĐT trong nước.

Ông Lâm đánh giá, hoạt động khối ngoại trong tháng 4 sẽ trở nên cân bằng hơn, có thể họ sẽ quay lại mua ròng nhẹ. Nguyên nhân là sự rút vốn khỏi các quỹ ETF thời gian qua có phần “thái quá”. Giá trị tài sản ròng của các quỹ này xuống thấp hơn cả mức thấp nhất trong năm 2014, trong khi VN-Index duy trì điểm số cao hơn vùng thấp nhất từ 10 - 15%. Ngoài ra, định giá hiện tại của TTCK Việt Nam đã quay lại vùng hấp dẫn nhất trong khu vực ASEAN, với mức P/E khoảng 11 lần. Điều này sẽ khiến các quỹ đầu tư xem xét thận trọng hơn trong hoạt động bán ra và sẵn lòng hơn ở chiều mua vào.

Đối với khối NĐT nội, một thực tế cần nhìn nhận là suốt từ đầu năm 2015 đến nay, lực cầu thường xuyên duy trì ở mức “dưới trung bình”. Ngay cả trong giai đoạn thị trường phục hồi trong tháng 2, thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức không cao. Đây là nguyên nhân khiến thị trường tăng điểm không bền vững. Theo đó, ông Lâm không đánh giá cao khả năng lực cầu trong nước sẽ sớm tăng trở lại khi tâm lý NĐT nhìn chung vẫn thận trọng và dòng tiền giai đoạn tới có thể bị san sẻ đáng kể cho hoạt động phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết cũng như DNNN bán đấu giá cổ phần, thực hiện cổ phần hóa.

Về xu hướng chung của thị trường, trong một tuần trở lại đây, cả hai chỉ số chứng khoán là VN-Index và HNX-Index đang cố gắng tạo lập một trạng thái cân bằng hơn sau khi có xu hướng lao dốc trong ba tuần trước đó. Sự cân bằng được thể hiện ở chỗ, thị trường xuất hiện nhiều hơn các phiên tăng giảm đan xen và điểm số bị mất cũng ít hơn.

CTCK Maybank Kim Eng đưa ra 2 kịch bản cho VN-Index trong thời gian tới. Trong kịch bản tích cực, sự hồi phục theo cách tăng giảm đan xen hiện nay của thị trường có thể đưa VN-Index lên vùng 570 - 575 điểm, nhưng trong ngắn hạn, khó có thể kỳ vọng đường giá vượt qua khu vực kháng cự 575 điểm hiện nay.

Ở kịch bản tiêu cực, nếu bên bán mất kiên nhẫn với sự ì ạch của thị trường, dẫn đến hoạt động “tháo hàng”, qua đó dẫn đến hiện tượng giải chấp trên phạm vi rộng, thì khả năng VN-Index quay về vùng hỗ trợ trung hạn 510 - 520 điểm có thể xảy ra.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục