“Mẹ con” HAG - HNG: Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Thông tin đưa ra cuối tuần qua về kết quả báo cáo tài chính năm 2017 sau kiểm toán có chênh lệch giảm đáng kể so với báo cáo tự lập tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty con phụ trách mảng nông nghiệp là HAGL Agrico (HNG) khiến cổ phiếu HAG và HNG trong phiên giao dịch đầu tuần này sụt giảm.
Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán của HAG, năm 2017, lợi nhuận sau thuế giảm 64%, còn 372 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 89%, còn 70 tỷ đồng… HAG giải trình, các khoản chênh lệch là sai sót kế toán, do thiếu sót về chuyên môn của nhân viên kế toán và do lượng nghiệp vụ quá nhiều.
Đáng chú ý, kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi của tổng khoản phải thu từ các bên liên quan với số tiền gần 4.024 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm toán viên nhấn mạnh đến các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn khi vốn lưu động âm 3.563 tỷ đồng và đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
Tương tự HAG, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của cổ đông HNG giảm 43%, còn 527 tỷ đồng. Công ty này cũng bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do vốn lưu động âm gần 2.200 tỷ đồng.
HVG: Thua lỗ dù giá và nhu cầu cá tra tăng cao
Nhiều nhà đầu tư cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương chia sẻ, họ đang nóng lòng chờ đợi tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để được chất vấn trực tiếp Ban lãnh đạo Công ty về tình hình hoạt động trong bối cảnh sản phẩm cá tra bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Đặc biệt, năng lực cung ứng cá tra ra thị trường như thế nào khi mà nguồn cung đang khan hiếm, giá bán thiết lập đỉnh mới - là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp tự chủ vùng nuôi quy mô lớn như HVG. Ngoài ra, vấn đề nợ vay được tháo gỡ ra sao sau khi Công ty đã bán bớt tài sản và thoái vốn tại một số công ty con.
Năm tài chính 2017, trong bối cảnh HVG có nhiều khoản nợ vay, hoạt động kinh doanh của Công ty kém khả quan, dù giá xuất khẩu cá tra fillet tăng cao nhất trong vòng 10 năm. Bởi lẽ, trái ngược với nhu cầu không ngừng tăng của thị trường, nguồn cung cá tra nguyên liệu mỗi ngày một giảm.
Do vậy, 11 nhà máy với 15.000 lao động của HVG hoạt động cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu. Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất đã khiến giá thành sản xuất tăng 30%.
Giá xuất khẩu tăng mạnh cũng không đủ bù đắp chi phí sản xuất cùng với chi phí lãi vay cao áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang là hai nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2017 của HVG bị lỗ (báo cáo riêng lỗ 224,4 tỷ đồng, báo cáo hợp nhất lỗ 712,9 tỷ đồng).
TTF sắp “hồi sinh”?
Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) được xem là trường hợp có khả năng “hồi sinh” khi có nhóm cổ đông mới tham gia điều hành doanh nghiệp, do đó kế hoạch kinh doanh năm 2018 của TTF như thế nào đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
TTF công bố đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, huy động được 700 tỷ đồng và liên tục 3 quý năm năm 2017 có lãi (dù đến từ lãi khác là chủ yếu) và các nhà máy đang chạy hết công suất để phục vụ đơn hàng từ các đối tác lớn đã ký trong nước, nhất là với VIC. Tuy nhiên, lãnh đạo TTF chia sẻ, năm 2018, hoạt động kinh doanh của Công ty nhiều khả năng vẫn thua lỗ, dự kiến đây sẽ là năm lỗ cuối cùng.
Chuyển động của doanh nghiệp sau tái cơ cấu với nhóm cổ đông có tiềm lực mạnh về tài chính, có các mối quan hệ đối tác rộng đang mở ra bức tranh sáng hơn cho TTF. Cổ đông, nhà đầu tư háo hức muốn được ngắm bức tranh đó rõ ràng hơn tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ tổ chức trong tháng 4 này.
Ngoại trừ những doanh nghiệp có “vấn đề” với các con số trong báo cáo tài chính, thì các doanh nghiệp đầu ngành luôn được nhà đầu tư quan tâm, với câu chuyện giá cổ phiếu tăng giảm, khả năng tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp...
Đương nhiên, nhà đầu tư không thể bỏ qua thông tin về cuộc họp đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng hàng, nhất là ngân hàng sắp niêm yết, dự kiến có sự thay đổi nhân sự cấp cao hoặc cổ đông lớn, hay ngân hàng được kỳ vọng sẽ nới “room”, đón thêm nhà đầu tư chiến lược… Một số ngân hàng có thể kể tên là STB, EIB,Techcombank, VCB, CTG, BID.