Mức giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 3 là khá đột biến, với hơn 1,5 tỷ USD, là mức khá cao từ trước đến nay, đặc biệt là nếu so với tháng 1 chỉ đạt 400 triệu USD, tháng 2 là 600 triệu USD.
Về vốn đăng ký thu hút, tính đến ngày 20/3, cả nước đã có 120 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,26 tỷ USD, bằng 77,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Theo lĩnh vực đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn nhất, với 2 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD (chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký), do có 1 dự án lớn mới được cấp phép vào đầu tháng 3 tại Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 51 dự án đầu tư đăng ký mới và 25 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 1,17 tỷ USD (chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký). Lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 180 triệu USD (chiếm 6,8%).
Xếp theo thứ tự đối tác đầu tư, từ đầu năm đến nay, Nhật Bản là nền kinh tế dẫn đầu trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,3 tỷ USD, chiếm 88,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý là những dự án có vốn lớn như: dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng với 574,8 triệu USD; dự án Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam 180 triệu USD tại tỉnh Khánh Hoà...
Tại buổi tọa đàm “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các KCN, KCX và khu kinh tế” diễn ra ngày 22/3, phía Nhật Bản đã cho biết, ngành chế tạo của nước này có tới 220.000 doanh nghiệp. Trong đó, vẫn còn 214.747 công ty (chiếm 97,3%) chưa có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Rõ ràng đây là con số rất hấp dẫn mà đại diện phía Nhật Bản khuyến nghị Việt Nam nên quan tâm kết nối, kêu gọi đầu tư.