Tháng 3 có buồn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tháng 3 bắt đầu với nhiều biến động từ bên ngoài khiến không ít thành viên thị trường cho rằng đây có thể là giai đoạn “buồn” hơn thường lệ.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có xu hướng thận trọng trước những biến động địa chính trị trên thế giới. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có xu hướng thận trọng trước những biến động địa chính trị trên thế giới.

Nhiều tin xấu từ bên ngoài

Chị Thảo, một nhà đầu tư cho biết, ngay từ những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, chị đã chốt lời một số cổ phiếu và tạm thời giữ tỷ lệ tiền mặt khoảng 60% giá trị danh mục - tỷ lệ cao nhất kể từ khi chị tham gia thị trường.

Lý do cho hành động có phần thận trọng này của chị Thảo được giải thích đến từ việc chiến sự ở Ukraine vẫn đang căng thẳng và chưa có hồi kết, cộng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng tăng lãi suất sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

“Nhìn chung, trước mắt, tôi thấy thông tin tiêu cực đang nhiều hơn, từ chiến sự, Fed tăng lãi suất cho đến việc nhiều tin tốt cho mùa đại hội cổ đông đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Do đó, tôi tạm thời quan sát nhiều hơn và chỉ mua khi đã nhận diện rõ xu hướng của cổ phiếu, chứ về toàn cảnh thị trường mà nói, tôi không mấy lạc quan”, chị Thảo nêu quan điểm.

Tương tự, anh Tuấn, một nhà đầu tư nhận định, ngoài yếu tố tiêu cực là Fed dự báo sẽ nâng lãi suất trong ngắn hạn thì thị trường đang đi vào vùng trũng thông tin khi thông tin về kết quả kinh doanh năm 2021 đã hé lộ nên thị trường chứng khoán tháng 3 năm nay dự báo sẽ “buồn” hơn các tháng trước.

Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý lo ngại và bảo toàn vốn của chị Thảo, anh Tuấn lại kỳ vọng thị trường sẽ có một cuộc chiết khấu quy mô lớn khoảng 5 - 7% và xuất hiện những cổ phiếu rẻ hơn để có thể gom vào.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán AIS cũng cho rằng, thị trường chứng khoán tháng 3 đang đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực từ bên ngoài. Khủng hoảng địa chính trị Nga - Ukraina tác động lớn lên giá dầu, đẩy lạm phát lên cao, khiến ngân hàng trung ương các nước đứng trước áp lực nâng lãi suất. Tất cả những điều này đều sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, trước tiên là về tâm lý nhà đầu tư.

Về mặt vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ phải tính toán lại chính sách tiền tệ xem liệu có nới lỏng được như thời gian trước hay không, tuy nhiên, xu hướng chung có lẽ sẽ là thắt chặt tiền tệ và điều này đã được các nhà đầu tư lường trước.

Theo ông Kiên, nhiều hoạt động kinh tế đang được khôi phục trở lại, sẽ có một lượng tiền lớn rút ra khỏi thị trường để quay lại sản xuất - kinh doanh. Lượng tiền này có thể chiếm đến 35% tổng lượng tiền trên toàn thị trường, bằng chứng là nhiều phiên giao dịch vừa qua, thanh khoản trên sàn HOSE chỉ đạt trung bình khoảng 22.000 tỷ đồng/phiên, thấp hơn giai đoạn bùng nổ trước đó và vẫn đang trong xu hướng giảm.

"Không cần lo lắng quá"

Tuy nhiên, trái ngược với góc nhìn của nhiều nhà đầu tư, ông Kiên lại cho rằng, mùa đại hội năm nay có thể có nhiều thông tin tốt và kế hoạch táo bạo của các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn, với lượng cổ phiếu khổng lồ. Đây có thể sẽ là một trợ lực cho thị trường.

Ông Kiên cho rằng, xu thế ngắn hạn của thị trường vẫn là tăng giá, nhưng do tồn tại một số rủi ro như đã nói ở trên nên thị trường sẽ khó bứt phá mạnh như những tháng trước.

Về cổ phiếu tiềm năng, ông Kiên cho rằng, trên thị trường vẫn có một vài nhóm ngành có khả năng “miễn nhiễm” với biến động chung của thị trường như bán lẻ hay cổ phiếu của các tập đoàn lớn, có thể kể đến như FRT, MWG, cổ phiếu của tập đoàn lớn như Masan…

Còn theo ông Trần Xuân Bách, chuyên gia vĩ mô thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường có thể phải đối mặt với áp lực điều chỉnh, thậm chí xuất hiện các nhịp rung lắc mạnh trong khoảng thời gian trước thời điểm Fed chính thức tăng lãi suất. Tuy vậy, kỳ vọng thị trường sẽ có sự khởi sắc hơn sau khi mối lo ngại của giới đầu tư về việc lãi suất tăng qua đi và căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt.

Lúc đó, thị trường có thể xác lập lại xu hướng tăng điểm ngắn hạn để hướng đến mùa công bố thông tin kết quả kinh doanh quý I và đại hội cổ đông thường niên của các doanh nghiệp niêm yết - diễn ra vào thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022.

Trong tháng 3 này, các ngành có triển vọng có thể kể đến là các nhóm ngành được hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine như dầu khí, hóa chất, vận tải biển, tài nguyên cơ bản...

Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia vĩ mô thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Ông Bách cũng cho rằng, trong tháng 3 này, các ngành có triển vọng có thể kể đến là các nhóm ngành được hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine như dầu khí, hóa chất, vận tải biển, tài nguyên cơ bản.

Tiếp theo là các nhóm ngành được hưởng lợi khi nền kinh tế hồi phục như bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, du lịch và giải trí, hàng không, ô tô và phụ tùng; các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, dệt may; nhóm ngành được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công và gói kích thích kinh tế như xây dựng và vật liệu, hạ tầng, bất động sản.

Góc nhìn từ ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock, thị trường chứng khoán thế giới đứng trước hai vấn đề lớn: Thứ nhất, chính sách tiền tệ bắt đầu thắt lại, dòng tiền rẻ không còn dư địa nhiều vì áp lực lạm phát quá lớn; Thứ hai, xung đột giữa Ukraine và Nga càng làm cho tình hình căng thẳng thêm.

Tại các nước không bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 như Mỹ, EU, hiện tại đang bước vào những chu kỳ phục hồi kinh tế mới khi giá cả hàng hoá tăng mạnh (khí đốt, thực phẩm...), dẫn đến áp lực lạm phát tại các nước này đang tăng.

Chỉ số CPI tháng 1/2022 của Mỹ tăng hơn 7% - mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách nhanh và mạnh hơn những giai đoạn trước. EU cũng vậy và khu vực này đang chịu thêm ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.

Vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng còn dư địa để duy trì ở Việt Nam hay không? Theo ông Chương, “chắc chắn là còn”, vì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng khá nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nên hiện tại chỉ mới bắt đầu hồi phục kinh tế, lạm phát vẫn còn trong mức kiểm soát của Chính phủ đề ra và đây được xem là dư địa cho các chính sách tiền tệ kết hợp chính sách tài khoá (việc kết hợp 2 chính sách này được xem là bước đi khá vững và rút kinh nghiệm sâu sắc từ đợt khủng hoảng 2008 - 2009).

Riêng với câu chuyện xung đột giữa Ukraine và Nga, theo ông Chương, mức độ thiệt hại với thế giới sẽ không tàn khốc như những gì mà Covid-19 mang lại trong 2 năm qua. Bởi lẽ, vai trò của Nga trên bản đồ kinh tế thế giới không còn quá quan trọng. Mặc dù vậy, cuộc xung đột này sẽ ảnh hưởng đến các nước liên quan đến Nga như EU - nơi tiêu thụ gần 40% lượng khí đốt và 25% dầu từ Nga.

Riêng với Việt Nam, hiện tại, giao thương kinh tế với Nga và Ukraine chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nên sẽ ít chịu tác động xấu. Thậm chí, khi chiến tranh xảy ra, giá cả hàng hoá tăng mạnh tại châu Âu thì Việt Nam - một trong những nước xuất khẩu đến châu Âu nhiều nhất sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

“Do đó, thay vì lo lắng quá nhiều, nhà đầu tư hãy chịu khó tìm kiếm các cổ phiếu được hưởng lợi để không bỏ lỡ những cơ hội từ thị trường”, ông Chương nhấn mạnh.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục