Tháng 12, chứng khoán còn nhiều thách thức

(ĐTCK) Sau tháng giao dịch không mấy khả quan, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được nhận định sẽ gặp nhiều thách thức trong tháng cuối cùng của năm.
Tháng 12, chứng khoán còn nhiều thách thức

Trong tháng 11, VN-Index giảm 5,7%, trong khi HNX-Index giảm 0,7%. Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm khoảng hơn 14% so với tháng 10. Bước vào những phiên đầu tháng 12, xu hướng của thị trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Dù có phiên hồi nhẹ thứ 2 liên tiếp vào hôm qua (2/12) khi VN-Index tăng 1,42 điểm (+0,25%), lên 569,43 điểm, HNX-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%), lên 87,85 điểm, nhưng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn rất lớn.

Trong 2 phiên đầu tuần mới, độ rộng của thị trường dù mở ra theo chiều hướng tích cực, nhưng các chỉ số không thể bứt phá do các mã lớn níu kéo. Trong 2 phiên cuối tuần trước và phiên đầu tuần này, thị trường bị tác động bởi GAS và PVD, còn phiên hôm qua, trong khi 2 mã này đã hồi trở lại, thì một số mã lớn khác là MSN, VIC, VCB lại quay đầu giảm giá.

Thông thường, khoảng thời gian cuối năm đến quý I năm sau, thị trường sẽ có 1 đợt sóng nhỏ và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, điều này sẽ được lặp lại trong năm nay, nhất là kinh tế vĩ mô đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 11 của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2014 tăng 5,3% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong năm 2014 sau khi điều chỉnh yếu tố chu kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 6,5% sau khi loại trừ yếu tố giá, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Quốc hội cũng vừa thông qua một số đạo luật quan trọng, có tác động lớn tới thị trường bất động sản và môi trường kinh doanh nói chung. Nhóm cổ phiếu bất động sản được dự báo sẽ tạo sóng và qua đó sẽ dẫn dắt thị trường.

Trong tháng 12, nhà đầu tư cũng tập trung vào hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs. Theo đó, quỹ ETF FTSE Vietnam Index sẽ công bố thay đổi danh mục cơ sở vào ngày 6/12. Market Vectors Vietnam Index sẽ công bố thay đổi danh mục cơ sở vào ngày 14/12.

Dù có nhiều yếu tố tích cực, nhưng TTCK Việt Nam cũng được nhận định đang đối mặt với nhiều thách thức trong tháng cuối năm này.

Đầu tiên phải kể đến xu hướng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã rút ròng hơn 2.156 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD) trong tháng 10 và 11. Trong những phiên đầu tháng 12, khối này tiếp tục giữ xu hướng bán ròng và tập trung vào các mã bluechips, có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường như GAS, PVD, PVS, KDC, HAG…

Bên cạnh đó, giá dầu thô thế giới giảm mạnh, từ mức 110 USD/thùng xuống hiện còn khoảng 68 USD/thùng. Sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô khiến cổ phiếu năng lượng lao dốc và dĩ nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí trên TTCK Việt Nam cũng khó tránh khỏi xu hướng này. Trong khi đó, nhóm dầu khí trên sàn như GAS, PVD, PVS, PVC… là những mã có “trọng lượng”, có tác động lớn tới chỉ số chính của thị trường.

Bên cạnh đó, quan sát diễn biến thị trường những phiên gần đây cho thấy, dù UBCK đã lên tiếng bác tin đồn về việc thanh, kiểm tra giao dịch tại các mã có giao dịch lớn thời gian qua, nhưng dư âm của Thông tư 36 vẫn còn và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đã được đặt lên hàng đầu. Lệnh chờ bán tại các mã có tính đầu cơ luôn cao mỗi khi thị trường có dầu hiệu phục hồi.

Theo đánh giá của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng, mặc dù kinh tế vĩ mô đang dần khởi sắc, DN kinh doanh cũng khả quan hơn, nhưng đó là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường trung dài hạn nhiều hơn. Trong tháng 12, xu hướng đi ngang tích lũy, thậm chí có thể sụt giảm sẽ tiếp tục, trường hợp tích cực nhất thì VN-Index chỉ có thể tiếp cận lại mốc 600 điểm.        

Trần Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục