Tháng 11/2021, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tình hình thị trường trái phiếu tháng 11/2021 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam vừa công bố cho thấy, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành và tiếp theo là nhóm ngân hàng.
Tháng 11/2021, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu

Theo đó, trong tháng 11/2021 có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 18.276 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của CTCP Vinhomes giá trị 2.090 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành trong tháng là 20.366 tỷ đồng.

Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng, trong đó có khoảng 59% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm. Trong nhóm bất động sản, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ CTCP Vinhomes (2.090 tỷ đồng) với trái phiếu phát hành ra công chúng có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,2%/năm cho 4 kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với lãi suất tham chiếu là lãi suất tiết kiệm VND 12 tháng (VCB, Agribank, Vietinbank, BIDV).

Ngân hàng là nhóm ngành xếp thứ 2 về tổng giá trị phát hành 7.950 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị phát hành trong tháng. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á dẫn đầu với 5 đợt phát hành trái phiếu có tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, lãi suất 3,7%/năm, kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng có giá trị phát hành tương tự với 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 2.000 tỷ đồng, lãi suất 3,2%/năm, kỳ hạn 3 năm để phát triển hoạt động tín dụng.

Trong 11 tháng đầu năm, có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 495.000 tỷ đồng, trong đó có 803 đợt phát hành riêng lẻ, tổng giá trị 468.850 tỷ đồng (chiếm 95% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng, tổng giá trị 26.340 tỷ đồng (chiếm 5%) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.

Trong 11 tháng đầu năm, nhóm bất động sản dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%. Trong đó, có khoảng có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này có xu hướng tăng lên so với tháng trước). Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5 - 13%/năm. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 169.600 tỷ đồng, có 46.500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 27%), 71% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.

Trong 11 tháng đầu năm, có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).

Đối với thị trường sơ cấp, trong tháng 11, Kho bạc Nhà nước tổ chức 16 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị gọi thầu đạt 40.500 tỷ đồng, tổng giá trị đặt thầu là 103.515 tỷ đồng, trong đó giá trị trúng thầu đạt 34.133 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu đạt 84,3%. Trong đó, 2 kỳ hạn có khối lượng gọi thầu cao nhất là kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 15 năm (lần lượt là 15.500 và 13.500 tỷ đồng), tỷ lệ trúng thầu lần lượt đạt 90,5% (kỳ hạn 10 năm) và 92,7% (kỳ hạn 15 năm).

Tỷ lệ trúng thầu đối với kỳ hạn 5 năm tăng 16% so với tháng trước. Lãi suất trúng thầu trung bình trong tháng ở hầu hết các kỳ hạn đều giảm so với tháng trước.

Trong quý 4/2021, Kho bạc Nhà nước dự kiến phát hành 135.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bao gồm các kỳ hạn 5 năm (15.000 tỷ đồng), 7 năm (5.000 tỷ đồng), 10 năm (37.000 tỷ đồng), 15 năm (50.000 tỷ đồng), 20 năm (13.000 tỷ đồng) và 30 năm (15.000 tỷ đồng).

Tính đến hết tháng 11, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 50.279 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tương ứng 37% kế hoạch quý IV. Tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, kết quả phát hành trái phiếu Chính phủ đạt 287.993 tỷ đồng, tương đương 77% kế hoạch cả năm sau điều chỉnh. Trong tháng 12/2021, sẽ có khoảng 4.600 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, khoảng 2,4% giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn cả năm.

Trong tháng 11, Ngân hàng Phát Triển Việt Nam đã tiến hành gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, qua 4 phiên đấu thầu, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu đạt 495,3%. Trong đó, khối lượng trúng thầu đạt 2.000 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ trúng thầu 66,6%) ở 3 kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng).

Tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm đều đạt 100%, riêng kỳ hạn 15 năm chưa được đấu thầu thành công. Lãi suất trúng thầu ở 3 kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm lần lượt là 1,12%, 1,5% và 2,35%, cao hơn lần lượt 0,34%, 0,4% và 0,26% so với lãi suất tối thiểu trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, đã phát hành đạt 13.024 tỷ đồng, trong đó có 11.024 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng Chính sách xã hội (hoàn thành 100% kế hoạch phát hành theo QĐ số 945/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và 3.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam (đạt 17,5% khối lượng phát hành tối đa của năm theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 10/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch thông thường (Outright) và giao dịch mua bán lại (Repo) lần lượt đạt 181.778 tỷ đồng (tăng 16,6% so với tháng trước) và 100.021 tỷ đồng (tăng 57,5% so với tháng trước). Điểm đáng chú ý là, so với tháng trước, lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ