Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG) diễn ra hồi đầu năm, khi được hỏi về tỷ lệ chia cổ tức năm 2017, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, do MWG đang cần vốn để đầu tư phát triển kinh doanh nên Công ty sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu và dự kiến mức chia tối đa là 70% xét trên lợi nhuận đạt được.
Sau đại hội, thị giá cổ phiếu của MWG đã giảm mạnh, có thời điểm về dưới mức 100.000 đồng/cổ phiếu. Để bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường, ông Tài đã công bố mua vào 100.000 cổ phiếu, dù trước đó ông cho biết không có ý định tăng sở hữu cổ phiếu MWG.
Thế nhưng, giá cổ phiếu MWG vẫn xập xình do e ngại về triển vọng của chuỗi Bách hóa xanh, cho dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty vẫn tăng trưởng 40%.
Thị trường đánh giá, MWG đang đầu tư lớn để phát triển chuỗi Bách hóa xanh và sự phát triển nhanh hay chậm của chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm thiết yếu này sẽ quyết định tốc độ tăng trưởng của chung của Công ty.
Tuy nhiên, việc quyết định chia cổ tức tỷ lệ hơn 33% cho thấy sự thận trọng của MWG trong việc tăng vốn điều lệ ở thời điểm này, do lo ngại tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp tốc độ tăng vốn.
Một nhà đầu tư bình luận: “Dù không thể chia cổ tức ở mức tối đa 70%, nhưng tôi vẫn kỳ vọng MWG sẽ chia ở mức 50% nhờ hoạt động của chuỗi Bách hóa xanh, nhưng thực tế chỉ hơn 33% - là con số thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này cho thấy, Ban lãnh đạo MWG chưa tự tin vào chuỗi bán lẻ này”.
Thực tế, mức chia cổ tức 3:1 phản ánh sự cân bằng trong tăng trưởng lợi nhuận của MWG sau nửa đầu năm 2018, dựa trên hai trụ cột là chuỗi Điện máy xanh và Thế giới di động. Như vậy, có thể thấy, tiềm năng của chuỗi Bách hóa xanh vẫn chưa được MWG tính đến khi lên kế hoạch tăng vốn của năm nay.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG cho biết, Bách hóa xanh có tham vọng mở từ 8.000 - 12.000 cửa hàng, phục vụ 10 - 15% thị phần bán lẻ thực phẩm trên toàn quốc.
Con số này dựa trên cơ sở giá trị thị trường bán lẻ từ 50 - 70 tỷ USD/năm theo đánh giá của MWG. Mặt khác, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng hiện cho rằng, giá trị thị trường hiện mới đạt gần 20 tỷ USD, chưa bao gồm các mặt hàng đặc thù tại các chợ truyền thống như thực phẩm tươi sống, phơi khô, rau củ, trái cây…
Tính đến thời điểm hiện tại, ở TP HCM, Bách hóa xanh đã có gần 400 cửa hàng tại các quận Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn, Quận 12... Để đủ phục vụ cho toàn Thành phố, Bách hóa xanh có thể phải mở từ 1.000 - 1.500 cửa hàng.
Sau bước đầu thử nghiệm không đạt hiệu quả, MWG đã phải rà soát lại hàng loạt tiêu chí để mở một cửa hàng Bách hóa xanh như số lượng hộ dân trong một bán kính nhất định, lưu lượng xe ngang qua vị trí cửa hàng, diện tích mặt bằng, vỉa hè…
Bách hóa xanh có tham vọng mở từ 8.000 - 12.000 cửa hàng, phục vụ 10 - 15% thị phần bán lẻ thực phẩm trên toàn quốc.
Theo đó, MWG đã giảm mục tiêu đầu tư 1.000 của hàng xuống 600 cửa hàng Bách hóa xanh trong năm nay để giảm thiểu bù lỗ. Dù vậy, ông Doanh vẫn kỳ vọng, với tiêu chí mới, các cửa hàng Bách hóa xanh mới mở sẽ không lỗ như trước và doanh thu sớm đạt được điểm hòa vốn.
Chưa thể nói trước về đóng góp của chuỗi Bách hóa xanh vào lợi nhuận của MWG trong năm 2019 như cổ đông kỳ vọng. Và tương tự như các chuỗi bán lẻ khác, trong trường hợp thành công, cũng phải trong vài ba năm tới thì chuỗi Bách hóa xanh mới có đóng góp đáng kể cho MWG và trở thành trụ cột tăng trưởng mới của doanh nghiệp này.
Còn hiện tại, Bách hóa xanh đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về kiểm soát chất lượng thực phẩm đối với mặt hàng tươi sống. Với lượng tiêu thụ 170 tấn thực phẩm tươi sống mỗi ngày, Bách hóa xanh không thể bắt tay với nông dân, mà chỉ thu mua với thương lái cấp 1 tại địa phương. Nếu lượng tiêu thụ đạt 1.000 tấn/ngày, Bách hóa xanh mới tính đến việc phối hợp và cam kết bao tiêu sản phẩm với nông dân.
Câu chuyện Bách hóa xanh sẽ còn dài kỳ đối với nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu MWG ở mức giá hơn 130.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.