Thận trọng trước hết thể hiện ở sự “kín tiếng”, khi hầu hết lãnh đạo các DN đều không muốn công khai phát biểu ý kiến về tác động của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc đến DN mình.
“Đây là thời điểm nhạy cảm, chúng tôi đang nghe ngóng, phân tích và chuẩn bị những biện pháp ứng phó”, tổng giám đốc một DN lớn cho biết. Chủ tịch HĐQT một công ty niêm yết thì chia sẻ, chắc chắn Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ những biến động của thị trường Trung Quốc, nhưng còn quá sớm để nói sẽ ảnh hưởng như thế nào và bao nhiêu…
Trong các ngành, có thể nói ngành thép là ngành chịu ảnh hưởng lập tức từ thị trường Trung Quốc. Khi NDT phá giá, giá nhập khẩu thép cán nóng, phôi thép từ Trung Quốc lập tức giảm theo. Các DN trong nước phải đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho trong nước. Tuy nhiên, hiện đang là mùa mưa, sức tiêu thụ giảm nên để đẩy mạnh bán hàng trong bối cảnh giá đầu vào giảm, DN phải giảm giá bán. Cộng với tỷ giá VND/USD tăng thì tỷ suất lợi nhuận của DN chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Những DN nào không kịp đẩy hàng tồn sẽ phải trích lập dự phòng giảm giá. Một số đơn vị cho biết, giá thép các loại đều giảm 20 USD/tấn tương đương mức độ phá giá của NDT.
Nhưng những biến động nói trên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì vẫn nằm trong một biên độ có thể lượng định được. Điều DN lo ngại là nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế khu vực, khủng hoảng ở các thị trường mới nổi - điều được giới truyền thông nhắc đến khá nhiều gần đây. Với kinh nghiệm trải qua khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, nhiều DN đã rút ra được bài học không chủ quan coi thường bất kỳ biến động nào trên thị trường thế giới.
Và giải pháp là rút về phòng thủ!
Chỉ có điều đáng tiếc là ngay khi các DN bắt đầu cảm thấy tự tin, lạc quan về triển vọng tăng trưởng của mình cũng như kinh tế trong nước thì sự cố mang tên Trung Quốc bùng phát. Sự cố này khiến nhiều lãnh đạo công ty phải điều chỉnh lại kỳ vọng của mình. Việc Tổng giám đốc CII Lê Quốc Bình dùng tiền vay - margin để đầu tư cổ phiếu CII là một dẫn chứng điển hình. Nếu không tin tưởng, lạc quan, chắc chắn một lãnh đạo DN lớn sẽ không công khai đầu tư cổ phiếu công ty số lượng không nhỏ như thế.
Giới phân tích đang nhắc nhiều đến những bất ổn kinh tế vĩ mô có thể xảy ra trong bối cảnh mới. Do các nguyên liệu đầu vào giảm nên lạm phát sẽ ổn định. Nhưng giá dầu thô giảm tạo áp lực lên thu ngân sách vốn đang mất cân đối thu - chi và tỷ giá tăng ảnh hưởng đến khoản vay ngoại tệ của Chính phủ và DN. Nếu không có những giải pháp điều hành tốt thì kinh tế vĩ mô rung lắc sẽ ảnh hưởng đến niềm tin DN, vốn đã dần phục hồi trong hơn một năm qua.
Có thể nói, sức khỏe nhiều DN niêm yết lớn vẫn đang ổn, nhưng con đường phía trước nhiều thách thức bất ngờ buộc họ phải bước đi chậm lại, thận trọng hơn. Cho đến khi Fed tăng lãi suất đồng USD và những thông tin này được phản ánh hết vào thị trường mới có thể kỳ vọng hạ bớt “tinh thần cảnh giác” của giới DN và nhà đầu tư trên TTCK.