Thận trọng cổ phần hoá!

(ĐTCK-online) Số lượng DNNN được cổ phần hóa (CPH) trong năm 2007 nhiều khả năng không đạt 50% kế hoạch, mặc dù vậy, đánh giá về hoạt động này, Bộ Tài chính (BTC) vẫn nhận định, CPH và cải cách khu vực DNNN đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả đạt được trong công tác này, theo BTC, là khung pháp lý về sắp xếp, CPH DNNN đã từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi, sắp xếp và CPH, đặc biệt là công tác bán cổ phần lần đầu thông qua phương thức đấu giá không những đã xóa bỏ cơ chế CPH khép kín, mà còn đảm bảo giá trị thu về cho Nhà nước (tăng bình quân 5,6 lần so với mệnh giá và tăng 1,6 lần so với giá khởi điểm). Cũng theo đánh giá của BTC, việc CPH thành công một số tổng công ty lớn, như Bảo hiểm Việt Nam, Điện tử Tin học Việt Nam, Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam, Thương mại và Xây dựng Việt Nam, là một bước tiến quan trọng trong quá trình sắp xếp DNNN năm 2007.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, số lượng DNNN hiện còn khoảng 1.900 đơn vị, nếu loại trừ 300 - 400 nông lâm trường quốc doanh thì cả nước chỉ còn khoảng 1.500 DNNN hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng để CPH những DN này không đơn giản vì nguồn vốn nhà nước tập trung chủ yếu ở những đơn vị còn lại, cụ thể là tập trung tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế (đối tượng này nắm giữ khoảng 86% tổng vốn nhà nước đầu tư vào DN). “Chính phủ bàn tới bàn lui mới thực hiện CPH được một số tổng công ty và bây giờ cũng mới cơ bản hoàn tất việc CPH một số đơn vị nữa như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam , Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn. Bởi để chuyển đổi sở hữu những DN lớn, ngoài việc phải hết sức thận trọng, chặt chẽ nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước, còn phải bảo đảm sau CPH, DN hoạt động hiệu quả hơn”, Thủ tướng cho biết. Vẫn theo Thủ tướng, để bảo đảm được những mục đích trên, Chính phủ đã chính thức giao BTC làm cơ quan chủ trì thực hiện CPH các DNNN còn lại. “BTC phải hết sức thận trọng khi tiến hành CPH DNNN có quy mô lớn, nhưng phải phù hợp với kinh tế thị trường và theo đúng thông lệ quốc tế”, Thủ tướng chỉ đạo.

Nhìn lại tiến trình CPH các tổng công ty có thể thấy, việc hoàn thành mục đích chuyển đổi sở hữu các tổng công ty, tập đoàn kinh tế trong thời gian tới còn không ít gian truân, bởi theo số liệu của BTC, hiện vẫn còn trên 600 DNNN hoạt động sản xuất - kinh doanh từ hòa tới lỗ; trên 430 DNNN bị xếp loại C (chủ yếu do chỉ tiêu lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt thấp), trong đó có khoảng 200 DN là đơn vị thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Việc CPH những DN này, là hết sức khó khăn. “Chính phủ đang phải xử lý đối với Tổng công ty Mía đường, Dâu tằm tơ, một số tổng công ty ngành giao thông với số lỗ lũy kế, nợ nần lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Khi tiến hành CPH đối với những đơn vị này và các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, BTC phải hết sức quan tâm kiểm tra, kiểm soát tình hình tài chính”, Thủ tướng chỉ đạo.

Nhận định về TTCK, Thủ tướng cho rằng, sự phát triển TTCK trong năm 2007 rất khả quan, nhưng cơ quan quản lý nhà nước không được chủ quan. TTCK phải được quản lý chặt chẽ, nhưng vẫn phải bảo đảm cho thị trường vận hành theo quy luật thị trường, theo cơ chế thị trường. “Trong thời gian tới, chỉ có khoảng 200 - 300 DN niêm yết cổ phiếu trên thị trường chính thức, nhưng khi thị trường OTC đi vào vận hành (dự kiến quý II/2008), cổ phiếu của khoảng 2.000 DN sẽ được giao dịch trên thị trường này, nên việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ TTCK không chỉ quan tâm tới thị trường chính thức, mà còn phải hết sức quan tâm tới thị trường OTC”, Thủ tướng chỉ đạo và cảnh báo, sự khủng hoảng tài chính - tiền tệ nói chung, TTCK nói riêng trong khu vực đã cho thấy việc buông lỏng quản lý sẽ phải trả giá rất đắt.

Mặc dù được giao nhiệm vụ làm đầu mối chủ trì thực hiện CPH DNNN trong thời gian tới, tuy nhiên theo Bộ trưởng BTC Vũ Văn Ninh thì vai trò của các bộ, ngành, địa phương trong công tác này vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ tài chính và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 vừa được tổ chức, ông Ninh đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo công tác CPH, chú trọng xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính khi CPH và phối hợp với BTC thực hiện bán cổ phần lần đầu tại các DNNN CPH, bảo đảm hiệu quả và giữ cho TTCK phát triển ổn định và lành mạnh. Về phần mình, ông Ninh cho biết, BTC sẽ thực hiện sắp xếp, CPH DNNN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại theo đúng kế hoạch và gắn với sự phát triển của TTCK; tiếp tục hoàn thiện, hoàn chỉnh cơ chế CPH và phát hành cổ phiếu lần đầu, cơ chế quản lý tài chính, giám sát DNNN; hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK phát triển; nghiên cứu xây dựng các tiêu chí và tiêu chuẩn, cơ chế giám sát hoạt động của TTCK, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, trở thành kênh huy động vốn có hiệu quả cho nền kinh tế.

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục