Vay đầu tư, mua nhà tăng mạnh
Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2015 đã tăng mạnh. Cụ thể, tính đến ngày 30/11/2015, dư nợ tín dụng đạt 374.783 tỷ đồng (tương đương 16,6 tỷ USD), tăng 19,91% so với thời điểm 31/12/2014.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng nêu cụ thể mức dư nợ tín dụng đối với từng nhóm đối tượng. Theo đó, nhóm đối tượng vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp cho thuê chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 126.968 tỷ đồng, tăng 41,03%; tiếp đó là nhóm vay đầu tư kinh doanh bất động sản, đạt 72.090 tỷ đồng, tăng 11,28%; kế đến là nhóm xây dựng khu đô thị là 70.112 tỷ đồng, tăng 10,76% so với thời điểm 31/12/2014.
Dư nợ tại các nhóm khác như cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 26.310 tỷ đồng, tăng 36,25%; vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 32.357 tỷ đồng, tăng 3,34%; vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 13.606 tỷ đồng, giảm 5,67% so với 31/12/2014.
Việc dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng mạnh cho thấy sự sôi động của thị trường bất động sản trong năm 2015, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà, đất và cho vay đầu tư xây dựng dự án. Ngoài ra, việc các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân cho vay còn giúp giá trị tồn cho bất động sản giảm nhanh.
Theo tính toán của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, tính đến 20/1/2016, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 49.140 tỷ đồng, giảm 45.318 tỷ đồng (tương ứng giảm 47,98%) so với tháng 12/2013 và giảm 1.749 tỷ đồng so với thời điểm 20/12/2015.
Siết lại tín dụng bất động sản
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GPInvest cho biết, sự bùng nổ của thị trường bất động sản năm 2015 sẽ khó lặp lại trong năm 2016.
Cụ thể, theo ông Hiệp, năm 2015, ngân hàng mở rộng cho vay bất động sản là do lãi suất ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2016, lãi suất cho vay đã tăng trở lại, thêm từ 0,5-1%/năm. Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay bất động sản đang có dấu hiệu bị siết chặt hơn.
Một đại diện doanh nghiệp địa ốc khác tại Hà Nội cho rằng, năm 2015, các ngân hàng dường như đã “nới hết tay” cho vay đầu tư, vay mua nhà, khiến dư nợ bất động sản tăng nhanh. Vì thế, theo vị đại diện này, hoạt động cho vay bất động sản trong năm 2016 chắc chắn sẽ bị hạn chế. Các ngân hàng sẽ lựa chọn kỹ càng hơn các dự án, hoặc chủ đầu tư trong việc cho vay, trong khi tỷ lệ cho vay cũng sẽ giảm mạnh nhằm hạn chế rủi ro cho chính ngân hàng.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco cũng cho rằng, dư nợ tín dụng bất động sản tăng nhanh, nên trong năm 2016, ngân hàng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn giá trị thật của tài sản đi kèm các khoản vay. Ngoài ra, để hạn chế rủi ro, ngân hàng sẽ giảm mạnh giá trị các gói vay.
Cụ thể, thay vì cho vay đến 80% giá trị hợp đồng, khách hàng có thể chỉ được vay tương đương 50-60% giá trị hợp đồng. Việc chọn lựa dự án, chủ đầu tư để cho vay cũng khắt khe hơn để hạn chế rủi ro.
Mặc dù khẳng định xu hướng “siết” cho vay bất động sản để hạn chế rủi ro sẽ có tác động không nhỏ đến sự sôi động của thị trường bất động sản, nhưng ông Điệp cho hay, nhu cầu thực của thị trường bất động sản hiện nay rất cao, đặc biệt là dòng kiều hối được dự báo lên đến 13 tỷ USD, đa số sẽ chảy vào địa ốc.
Cũng theo ông Điệp, chính dòng tiền từ khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực và dòng tiền kiều hối sẽ là động lực lớn giúp thị trường địa ốc không rơi vào khó khăn trong năm 2016.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com