Tham vọng lớn của Bamboo Capital với Đèo Cả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) đầu tư chiến lược vào Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) đang gây chú ý trên thị trường.
Đèo Cả là nhà đầu tư và thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như hầm đường bộ Hải Vân. Đèo Cả là nhà đầu tư và thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia như hầm đường bộ Hải Vân.

Toan tính của Bamboo Capital

Mới đây, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả cho biết, Bamboo Capital và Đèo Cả đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Theo đó, Bamboo Capital sẽ tham gia đầu tư vào cổ phiếu HHV, với số lượng tối thiểu là 50 triệu cổ phần để trở thành cổ đông lớn của Đèo Cả.

Bamboo Capital là tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty thành viên, công ty liên kết, phát triển hệ sinh thái với các trụ cột đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, năng lượng tái tạo và đầu tư xây dựng công trình, xây dựng hạ tầng giao thông.

Tiềm lực tài chính mạnh giúp Bamboo Capital giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian qua. Năm 2020, Công ty đạt doanh thu 1.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 266 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng 17,7% về doanh thu và 89,59% về lợi nhuận so với năm trước.

Quý đầu năm nay, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 634,34 tỷ đồng, tăng trưởng 65%, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 162,716 tỷ đồng, tăng đột biến so với con số 8,3 tỷ đồng cùng kỳ. Tổng tài sản tại thời điểm 31/3/2021 lên tới 29.221 tỷ đồng.

Bamboo Capital có toan tính gì trong thương vụ đầu tư này?

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn, trong hệ sinh thái của Bamboo Capital có Tracodi là doanh nghiệp xây dựng có kinh nghiệm và năng lực quản trị tốt, được định hướng phát triển mảng hạ tầng.

Trong khi đó, Đèo Cả đang là nhà đầu tư và thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia như dự án hầm đường bộ qua đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân), cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn... với tổng mức đầu tư ở mỗi dự án lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Được biết, sau khi trở thành cổ đông lớn của Đèo Cả, Bamboo Capital sẽ hợp tác đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn trên cả nước như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Đại lộ nối TP.HCM với thành phố Tân An (tỉnh Long An), tuyến tránh Tây TP. Cần Thơ…

Việc hợp tác với Đèo Cả được phía Bamboo Capital kỳ vọng “sẽ giúp nối dài cánh tay tăng trưởng” của Tập đoàn.

Việc hợp tác với Đèo Cả được phía Bamboo Capital kỳ vọng “sẽ giúp nối dài cánh tay tăng trưởng” của Tập đoàn. Khi tham gia phát triển các tuyến đường giao thông quan trọng cùng Đèo Cả, Bamboo Capital thuận lợi hơn trong việc phát triển các khu công nghiệp dọc các tuyến đường đó. Đi theo kế hoạch phát triển các khu công nghiệp là kế hoạch phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái, vốn là thế mạnh của BCG Energy. Điện áp mái sẽ được bán thẳng cho các nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp.

Đèo Cả được tái cấu trúc nợ vay?

Tất nhiên, để tạo nên mối duyên này, không chỉ xuất phát từ mong muốn của riêng Bamboo Capital.

Được thành lập từ năm 1974, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã xác lập được thương hiệu uy tín trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thi công xây lắp, quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Công ty có quy mô tổng tài sản tại thời điểm cuối quý I/2021 là 32.427 tỷ đồng.

Tuy vậy, Công ty đang chịu áp lực nợ lớn lên với tổng nợ phải trả cùng thời điểm lên tới 24.983 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu (7.443 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 3.470,9 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần tài sản ngắn hạn (1.848 tỷ đồng).

Áp lực trả nợ lớn, trong khi Công ty đang cần nguồn vốn mới rất lớn để phục vụ các dự án đầu tư. Được biết, Công ty đang triển khai kế hoạch đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, với tổng mức đầu tư dự kiến là 8.790 tỷ đồng.

Riêng năm 2021, nhu cầu vốn đầu tư của Công ty là 773 tỷ đồng, trong đó, dự kiến góp 120 tỷ đồng vào Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, góp 93 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đèo Cả - doanh nghiệp quản lý dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và bổ sung 560 tỷ đồng vốn điều lệ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, Bamboo Capital là doanh nghiệp tiềm lực tài chính mạnh, mối quan hệ sâu rộng với nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức đầu tư và đội ngũ lãnh đạo có kinh nghiệm trong lĩnh vực tái cơ trúc doanh nghiệp.

Như lãnh đạo Bamboo Capital hé lộ thì “việc kết hợp giữa Bamboo Capital với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Đèo Cả sẽ đem đến sức mạnh mới cho cả hai doanh nghiệp”.

Thông tin Bamboo Capital trở thành cổ đông chiến lược đã đem lại kỳ vọng tích cực cho giới đầu tư vào triển vọng sáng hơn của Đèo Cả trong tương lai. Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu HHV đã tăng vọt, đóng cửa phiên cuối tuần qua đạt 21.400 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 4.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 tuần. Khối lượng giao dịch tăng vọt trong các phiên gần đây.

Cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả khá cô đặc. Theo báo cáo thường niên năm 2020, cổ đông lớn nắm giữ 88,43% cổ phần. Mới đây, hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T và Công ty cổ phần BOT Hưng Phát đã giảm tỷ lệ sở hữu tại HHV.

Cụ thể, từ ngày 3 đến 18/6, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T đã bán ra 25 triệu cổ phần HHV, giảm tỷ lệ sở hữu về 39,94%. Trong khi BOT Hưng Phát đã thoái hết 16,4 triệu cổ phiếu HHV trong thời gian từ 8/6 đến 14/6 và không còn là cổ đông lớn tại công ty này.

Việc Đầu tư Hải Thạch B.O.T và BOT Hưng Phát bán ra tổng cộng 41,4 triệu cổ phiếu HHV trong tháng 6 vừa qua được cho là động thái dọn đường để Đèo Cả đón cổ đông lớn Bamboo Capital.

Năm 2021, HHV đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.285 tỷ đồng, lợi nhuận 265 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 23% so với năm 2020. Với sự đồng hành của Bamboo Capital, nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.

Tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực đầu tư hạ tầng được đánh giá rất tích cực trong dài hạn. Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là đầu tư cho hạ tầng, bao gồm giao thông và năng lượng. Trong năm 2020, đầu tư công đã tăng đến 35%, đóng góp 6% vào tăng trưởng GDP cả nước.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, mỗi năm, Việt Nam cần chi tiêu 25 tỷ USD cho đầu tư hạ tầng, trong đó đầu tư tư nhân chiếm khoảng 20%. Quảng Ninh là một điển hình thành công trong việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đã trở thành địa phương thịnh vượng và có tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất cả cả nước. Đây sẽ là hình mẫu được nhân rộng ở nhiều địa phương tới đây.

Ngày 25/5/2021, HHV nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 267,38 triệu cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Theo kế hoạch dự kiến, HHV sẽ chuyển sàn vào cuối tháng 7, nhưng điều này còn phụ thuộc vào khả năng hệ thống giao dịch mới HOSE phối hợp với FPT đưa vào hoạt động trơn tru.

Hải Minh- Đỗ Quyên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục