Tham vọng đầu tư và áp lực hiệu quả của Nhựa An Phát Xanh

0:00 / 0:00
0:00

CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã AAA, sàn HoSE) thuận đà tiến bước trong một giai đoạn đầu tư đầy khí thế, nhưng đi kèm với động thái này là sức ép về hiệu quả đồng vốn đầu tư.

Tham vọng đầu tư và áp lực hiệu quả của Nhựa An Phát Xanh

Tăng tốc đầu tư

Những tham vọng đầu tư lớn của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh thời gian qua thể hiện ở việc đổ vốn đầu tư với giá trị hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong vòng 2 năm qua. Mới đây, Công ty cho biết đã giải ngân gần hết 1.170,4 tỷ đồng thu được từ kết quả chào bán cổ phần ra công chúng hồi giữa năm 2018.

Trong số tiền thu được từ chào bán cổ phần, Công ty đã đầu tư 810 tỷ đồng cho Dự án Nhà máy số 9. Đây là dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp nhựa kỹ thuật cao tại Khu công nghiệp Kenmark-Việt Hòa (Hải Dương). Việc đầu tư thực hiện thông qua góp vốn nâng vốn sở hữu tại Công ty TNHH Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát - một công ty con của Nhựa An Phát Xanh.

Về tiến độ thực hiện, Dự án Nhà máy số 9 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất điều chỉnh chủ đầu tư sang Công ty TNHH Khu công nghiệp Kỹ thuật cao An Phát.

Số tiền còn lại được đầu tư cho Dự án Nhà máy số 8. Đây là dự án đầu tư Nhà máy sản xuất bao bì màng phức hợp. Dự án Nhà máy số 8 đã hoàn thiện các thủ tục về đầu tư và xây dựng, hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng xong hệ thống hạ tầng, đầu tư một số máy móc, thiết bị. Đến nay, Công ty đã chi hơn 221 tỷ đồng trong tổng số hơn 360,4 tỷ đồng theo kế hoạch.

Những tham vọng đầu tư của Nhựa An Phát Xanh đã tiêu tốn dòng tiền khá “khủng” của doanh nghiệp này. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư 9 tháng đầu năm 2019 đã âm 627,4 tỷ đồng và âm 452,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.

Theo phân tích, đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers, Nhựa An Phát Xanh vẫn duy trì ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như các doanh nghiệp khác. Trong năm 2020, công ty này có thể đạt doanh thu 9.549 tỷ đồng, tăng 3,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 518 tỷ đồng, tăng 5,5%

Về lý thuyết, dòng tiền âm trong hoạt động đầu tư không đáng lo ngại như việc âm dòng tiền trong hoạt động kinh doanh, bởi đầu tư là hoạt động chi tiêu hướng đến mục tiêu phát triển tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư nếu âm quá lớn cũng có thể tạo ra áp lực đối với việc cân đối dòng tiền cho doanh nghiệp ngắn hạn.

Thông thường, dòng tiền kinh doanh không đủ bù đắp cho dòng tiền đầu tư, thì Công ty sẽ phải tìm kiếm thêm dòng tiền từ hoạt động tài chính. Trong trường hợp Nhựa An Phát Xanh, đợt phát hành cổ phiếu năm 2018 đã đem lại 1.170,4 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, nhưng từ khi phát hành, các dự án mới chưa thể làm tiền đẻ ra tiền. Vì thế, nếu Công ty tiếp tục tìm đến dòng vốn từ phát hành thêm lần nữa thì có thể sẽ khó thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn.

Bài toán lợi nhuận

Sau khi đã đổ rất nhiều tiền huy động từ cổ đông, Nhựa An Phát Xanh chưa chứng tỏ được hiệu quả từ các con số lợi nhuận cụ thể.

Quý III/2020, Nhựa An Phát Xanh đạt doanh thu thuần 1.927,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả 2.364,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 86,1 tỷ đồng, tăng 16,72% so với cùng kỳ năm trước.

Trong văn bản giải trình, Tổng giám đốc Nhựa An Phát Xanh, ông Nguyễn Lê Trung cho biết, lợi nhuận tăng do Công ty duy trì tốt việc sản xuất - kinh doanh hạt nhựa, bao bì, mở rộng thị phần…

Nhìn lại cùng thời điểm này 3 năm trước (trước đợt phát hành năm 2018), quý III/2017, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 67,5 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2020 đã tăng hơn 27,6% so với quý III của 3 năm về trước. Tuy nhiên, vốn điều lệ của Nhựa An Phát Xanh thời điểm quý III/2017 chỉ là 592,5 tỷ đồng, trong khi quý III/2020, vốn điều lệ của Công ty là 2.112 tỷ đồng, tăng 256,5%. Như vậy, tốc độ tăng của vốn điều lệ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng lợi nhuận sau thuế trong 3 năm qua.

Đó là tách riêng kết quả kinh doanh quý III/2020, còn nhìn tổng thể kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, thì lợi nhuận của Nhựa An Phát Xanh thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của Nhựa An Phát Xanh đạt 5.310,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 7.406,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 cũng giảm bằng khoảng một nửa so với 9 tháng 2019, khi đạt 222,9 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 437,8 tỷ đồng).

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục