Vì sao lại bạo chi?
Tại Ðại hội đồng cổ đông bất thường, ông Ðào Ngọc Thanh trải lòng: “Tôi đến đây để đại diện cho một nhóm các cổ đông tham gia vào Vinaconex và phần lớn các cổ đông này làm trong ngành xây dựng. Chúng tôi không phải là các đại gia, cũng không làm trong ngành thương mại, không có ngân hàng. Chúng tôi muốn làm việc gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex.
Việc trở thành Top 3 trong ngành xây dựng, tôi là người sống với nghề xây dựng, tôi nghĩ đó không phải là ước muốn của cá nhân tôi, mà là ước muốn của tất cả các anh chị ở đây. Có lẽ, một phần do cơ chế, một phần do trong thời gian dài chúng ta đam mê với công việc khác, mà chúng ta không có tên trên các tòa nhà, các công trình ở phía Bắc. Tôi đến đây với mong muốn đưa tên của Vinaconex lên trên các tòa nhà”.
Còn ông Nguyễn Xuân Ðông, tân Tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, Tổng công ty có rất nhiều tài sản, khi về tay các nhà đầu tư mới sẽ phát triển hơn nữa. Trên nền tảng là ngành xây lắp, chiến lược đầu tư bất động sản sẽ là mảng then chốt. Trong mảng bất động sản, Vinaconex sẽ xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu tầm cỡ quốc tế.
Ðó có phải tham vọng quá lớn của Vinaconex? Theo chia sẻ của ông Dương Văn Mậu, người cũ tại Vinaconex, hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị, tài sản lớn nhất của Vinaconex là quyền sở hữu 50% Khu đô thị Bắc An Khánh có quy mô hơn 300 ha, trong đó còn hơn 200 ha đất sạch.
Vinaconex sở hữu 50% Khu đô thị Bắc An Khánh, quy mô hơn 300 ha.
Như vậy, nếu đem 5.000 tỷ đồng tiền nợ mà Công ty TNHH An Khánh đang gánh chia cho diện tích đất sạch nói trên, mỗi m2 chỉ có giá vốn 2,5 triệu đồng. Trong số diện tích đất sạch nói trên, nếu tính theo quy hoạch hiện tại, doanh nghiệp có hơn 75 ha đất thương phẩm kinh doanh bất động sản để bán (phần còn lại là diện tích đất công cộng, cây xanh, diện tích đất cho trường học, bệnh viện...).
Ông Thanh đã thành công với việc biến khu đất ở Hưng Yên hầu như không có lợi thế trở thành Khu đô thị Ecopark nổi tiếng tại miền Bắc, với đầy đủ tiện ích và lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư không hề thấp. Nay với Bắc An Khánh, ở vị trí đắc địa của Thủ đô, không quá khó để ông triển khai mô hình này.
“Ông Thanh nói rằng, về tay ông ấy, lợi nhuận của khu đô thị sẽ không dưới 20.000 tỷ đồng. Nếu được đầu tư đồng bộ, bài bản, mỗi m2 tại đây có thể bán không dưới 70 triệu đồng/m2”, ông Mậu kể.
Vinaconex còn những tài sản đáng giá khác như quyền sử dụng đất tại nhiều khu vực, với quỹ đất lên tới gần 3 triệu m2. 3 thủy điện đang hoạt động hiệu quả, hệ thống trường học liên cấp tại Hà Nội, hệ thống phân phối nước sạch với 1/3 thị phần tại Hà Nội...
Ngay trong lĩnh vực xây lắp, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Vinaconex hiện mới đạt 2%, trong khi với Cotecons và Hòa Bình là 10%, trên 10%. Ðây chính là dư địa lớn để doanh nghiệp khắc phục điểm yếu, vươn lên đạt hiệu quả hoạt động cao hơn.
Gần 7.500 tỷ đồng chi cho việc sở hữu 57% cổ phần Vinaconex là số tiền lớn, dưới con mắt của không ít người, nhóm nhà đầu tư mới đã “vung tay quá trán”, thậm chí “lao đầu vào đá”. Nhưng với những người có tầm nhìn và khát vọng, nhiều bài toán đã được đưa lên bàn cân tính thật kỹ.
Ông Thanh và nhóm nhà đầu tư đã thuê tư vấn khảo sát các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản đang cổ phần hóa hoặc thoái vốn. Kết quả, Vinaconex lành mạnh và có tiềm năng nhất. Bởi vậy, nhóm nhà đầu tư đã bạo chi dứt khoát để tạo ra thương vụ M&A “bom tấn” trong năm 2018 và khác xa so với những thương vụ thoái vốn nhà nước ấn tượng trước đây là thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt vẫn trong tay các nhà đầu tư nội.
Những bước đi đầu tiên
Khoác chiếc áo chủ mới, cơ chế để Vinaconex lột xác là hoàn toàn mới, đặc biệt là thẩm quyền của những người chèo lái con tàu. Theo quy chế cũ, Tổng giám đốc Vinaconex chỉ có thẩm quyền quyết định tới giá trị 5 tỷ đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định 15 tỷ đồng. Nói vui như ông Mậu nhận xét là chưa đủ mua 1 xe ô tô, nên rất khó phát triển.
Nhưng nay, cơ chế thay đổi, Tổng giám đốc Vinaconex có quyền quyết định tới giá trị 5% tổng tài sản của Tổng công ty (500 tỷ đồng) trong 5 phút, còn Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể quyết tới 10% tổng tài sản. Trong 1 - 2 năm tới, thẩm quyền quyết định của họ có thể lên vài nghìn tỷ đồng. Không quyết được thì không làm được, thay đổi trong cơ chế ra quyết định được nhìn nhận sẽ là yếu tố thúc đẩy Vinaconex phát triển nhanh.
Trên thực tế, các nhà đầu tư mới cũng chỉ thay 1 - 2 vị trí liên quan đến việc bắt buộc phải đại diện cho chủ sở hữu mới, để họ quyết định được, còn cán bộ, nhân viên hầu như giữ nguyên. Các nhà đầu tư mới đã nêu rõ mục tiêu gìn giữ thương hiệu, văn hóa Vinaconex.
Một chuyển động bước ngoặt khác là tới đây, Vinaconex sẽ áp dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp, chuyển sang quản lý tập trung, mua sắm toàn hệ thống, Tổng công ty sẽ làm việc với các nhà thầu, các đơn vị thành viên chỉ làm nhiệm vụ được giao. Trước đây, Tổng công ty có gần 30 công ty và có “e-nờ” Vinaconex, mỗi công ty con một kiểu, mỗi đơn vị là một “lãnh địa” riêng, "quyền lực" riêng.
Mô hình mới sẽ tập trung nguồn lực Vinaconex như mô hình quản lý tập trung của các ngân hàng, tất cả công ty con sẽ là các chi nhánh, quy mô hoạt động của Tổng công ty sẽ khác, dưới cùng một thương hiệu, trang thiết bị mà Vinaconex đầu tư.
“Nguyên tắc là chúng tôi sẽ xây những sản phẩm có chất lượng cao và giá trị tốt, chứ không phải như hiện nay, biên lợi nhuận chỉ có 2 - 3%”, lãnh đạo Vinaconex cho biết.
Ðể có những bước tiến lớn trong tương lai, Vinaconex sẽ tập trung vào khoa học công nghệ và năng lực quản trị, bởi thiết bị và con người hiện vẫn là thế mạnh của Tổng công ty. Ví dụ, Vinaconex 9 hiện được đánh giá có thiết bị và trình độ khoa học công nghệ không kém Coteccons.
Bằng chứng là 2 đơn vị này đảm nhận 2 công trình lõi dự án Khu đô thị Tràng An của GP Invest, giá chênh nhau 10%, kết quả Vinaconex 9 được đánh giá cao bởi chủ đầu tư. Ông Nguyễn Khắc Hiệp, Chủ tịch GP Invest đã phải thốt lên: “Do các anh, còn các anh thừa khả năng để làm không kém gì họ”.
Theo chiến lược mà các lãnh đạo mới của Vinaconex đề ra, doanh nghiệp sẽ đi bằng 3 chân, chứ không đi bằng một chân như nhiều doanh nghiệp xây lắp khác. Cụ thể, xây lắp chỉ là trụ đỡ cho bất động động sản và sản xuất công nghiệp (điện, nước...).
Với những doanh nhân có tư duy đột phá, có tầm quản lý chiến lược và sớm bắt tay vào thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, có cơ sở để kỳ vọng, Vinaconex sẽ phát triển lên tầm cao mới.