Thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc: Đề xuất sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư

Liên quan đến việc lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công - tư (PPP), phương án sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư đề xuất Dự án được kiến nghị lựa chọn.
Thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc: Đề xuất sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư

Hai phương án được đề xuất

Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng (Ban Quản lý dự án) vừa làm việc với đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất Dự án Đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc về việc lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án.

Sau khi kiểm tra, rà soát quy định tại khoản 3, Điều 16, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ (Nghị định 35) và theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định liên ngành về việc thuê tư vấn thẩm tra tại Quyết định số 2111/QĐ-HĐTĐLN ngày 29/12/2023 (Quyết định 2111), Ban Quản lý dự án đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư đề xuất Dự án. Theo đó, nhà đầu tư đề xuất Dự án thuê tư vấn thẩm tra bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Chi phí này sẽ tính toán trong tổng mức đầu tư của Dự án và sẽ hoàn trả cho nhà đầu tư đề xuất Dự án khi Dự án được phê duyệt.

Phương án 2, sử dụng vốn đầu tư công. Chi phí này sẽ tính toán trong tổng mức đầu tư của Dự án làm cơ sở thanh, quyết toán và sẽ không thanh toán chi phí thuê đơn vị tư vấn thẩm tra do nhà đầu tư đề xuất Dự án đã thuê.

Theo ý kiến của đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất Dự án, căn cứ Văn bản thỏa thuận số 3479/UBND-VBTT ngày 19/4/2023 (Văn bản 3479), nhà đầu tư đã thực hiện ký hợp đồng thẩm tra với đơn vị tư vấn thẩm tra (Công ty cổ phần Tấn Phát) với giá trị hợp đồng 1,644 tỷ đồng, đã tạm ứng 450 triệu đồng.

Đơn vị tư vấn này đã có Báo cáo thẩm tra lần 1 (ngày 24/8/2023). UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thẩm định thiết kế cơ sở và nội dung thẩm tra của đơn vị tư vấn đã được Cục Đường cao tốc Việt Nam đánh giá là cơ bản phù hợp theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (Nghị định 15).

Tư vấn thẩm tra đang thẩm tra lần 2 theo ý kiến của Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định liên ngành. Đến nay, hợp đồng đã thực hiện khoảng 80% công việc. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định liên ngành có ý kiến tại Quyết định 2111, sẽ không tổ chức thuê tư vấn thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng (cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư) có trách nhiệm thuê tư vấn thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án làm cơ sở cho công tác thẩm định.

Đại diện liên danh nhà đầu tư kiến nghị điều chỉnh hợp đồng tư vấn thẩm tra đã ký (với Công ty Tấn Phát) thẩm tra phần kỹ thuật giữ nguyên hình thức chỉ định thầu và ngày tháng đã ký, bổ sung Viện Kinh tế thẩm tra dự toán và có thể ký 3 bên để đảm bảo theo khoản 3, Điều 15, Nghị định 35, chi phí thẩm tra do nhà đầu tư chi trả và được tính vào tổng mức đầu tư của Dự án thực hiện theo đúng Văn bản 3479.

“Trường hợp UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh, đề nghị hoàn trả chi phí tạm ứng cũng như chi phí đã thực hiện cho tư vấn nhà đầu tư đã ký”, đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất.

Kiến nghị chọn Phương án 1

Đại diện Ban Quản lý dự án cho rằng, Phương án 1 về cơ bản phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức PPP; đáp ứng yêu cầu thẩm tra theo quy định tại Nghị định 15; kế thừa kết quả thẩm định của Cục Đường cao tốc Việt Nam tại Báo cáo số 1299/CĐCTVN-KHTC ngày 24/11/2023 để tiếp tục triển khai thực hiện; đồng thời tháo gỡ được vướng mắc nhà đầu tư đã thực hiện ký hợp đồng thẩm tra và tạm ứng 450 triệu đồng.

Tuy nhiên, Phương án 1 còn có vướng mắc, như chưa phù hợp với ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành tại Quyết định 2111; chưa phù hợp theo điểm b, mục 4, Phần III trong Văn bản 3479.

Qua rà soát quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Nghị định 35, không có nội dung nào quy định về việc: “Trường hợp Hội đồng Thẩm định liên ngành không thuê tư vấn thẩm tra thì sẽ không thanh toán chi phí này theo quy định”.

Do đó, để giải quyết vướng mắc trên, cần phải điều chỉnh điểm b, mục 4, Phần III trong Văn bản 3479 và UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhà đầu tư đề xuất Dự án chịu trách nhiệm lựa chọn, ký kết hợp đồng thuê đơn tư vấn thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án đảm bảo được năng lực, kinh nghiệm theo quy định.

Ban Quản lý dự án nhìn nhận, Phương án 2 phù hợp với ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành tại Quyết định 2111; đáp ứng yêu cầu thẩm tra theo quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Phương án 2 cũng có vướng mắc, như chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, Điều 69, Luật Đầu tư theo phương thức PPP vì không có chi phí thực hiện thuê thẩm tra của cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh Lâm Đồng). Đây là dự án do nhà đầu tư đề xuất Dự án chịu hoàn toàn chi phí chuẩn bị đầu tư, nên Ban Quản lý dự án thuê thẩm tra sẽ thực hiện 2 lần thẩm tra không phù hợp; không kế thừa kết quả thẩm định của Cục Đường cao tốc Việt Nam tại Báo cáo số 1299, phải trình thẩm định lại từ đầu ảnh hưởng tiến độ.

Ông Võ Ngọc Minh Phát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi trao đổi, bàn bạc, Ban cùng nhà đầu tư đề xuất Dự án thống nhất báo cáo UBND tỉnh xem xét, chấp thuận Phương án 1 và điều chỉnh điểm b, mục 4, Phần III trong Văn bản 3479 làm cơ sở thanh, quyết toán chi phí này.

Đồng thời, để đảm bảo ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành tại Quyết định 2111, kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhà đầu tư đề xuất Dự án chịu trách nhiệm lựa chọn, ký kết hợp đồng thuê đơn tư vấn thẩm tra Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo quy định, kế thừa được thẩm định của Cục Đường cao tốc Việt Nam và đảm bảo tính khách quan trong xây dựng phương án tài chính làm cơ sở cho công tác thẩm định.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục