Quốc hội dành cả ngày 7/11 để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, giám sát hoạt động tư pháp, xét xử và thi hành án. Nhiều đại biểu tập trung phân tích hạn chế và đề xuất giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
“Không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi”
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)
Về công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2013 ngành kiểm sát đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát, điều tra 566 vụ với 1.471 bị can thuộc nhóm tội tham nhũng. Trong đó khởi tố mới 661 bị can, tăng 6,4%.
Tuy nhiên, một số vụ án đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu chưa đúng pháp luật, án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ 31,2%, những hiện tượng này là không bình thường.
Chúng ta có đầy đủ pháp luật và bộ máy chống tham nhũng đồ sộ, gồm kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Mặc dù các cơ quan này có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chưa đáp ứng lòng mong đợi của cử tri.
Liệu trong lực lượng chống tham nhũng có tiêu cực, bao che cho tham nhũng không? Đây là câu hỏi rất lớn mà cử tri đề nghị sớm được trả lời. Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt tôi đề nghị cần thành lập lực lượng chuyên trách điều tra công tác phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Lực lượng này phải được tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để kéo dài như hiện nay, không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi.
“Vẫn còn hội chứng sân bay, cảng biển”
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Tôi cho rằng cho rằng tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn hiện nay có nguyên nhân rất lớn từ tình trạng tham nhũng tràn lan, các công trình dự án đều phải chạy chọt, bôi trơn.
Chính tham nhũng cũng gây lên nợ xấu, tồn kho và doanh nghiệp chính là nạn nhân.
Đối với lĩnh vực đầu tư công nhiều ý kiến trong thảo luận tổ về kinh tế - xã hội đã nêu khi cho đầu tư phát triển còn dàn trải, hiệu quả thấp, vẫn còn hội chứng sân bay, cảng biển, vẫn có vấn đề lợi ích, lãng phí là để tham nhũng vì số tiền chia chác chiếm đoạt tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư. Vì vậy một chiếc cầu chỉ cần 70 mét đã làm đến 450 mét. Thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều những chuyện đã được phanh phui đưa ra ánh sáng.
Tôi đề nghị phải quyết liệt thật sự trong đấu tranh chống tham những bằng hành động cụ thể để mang lại kết quả cụ thể. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần bổ sung vào kế hoạch năm 2014 việc thanh tra, kiểm toán tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo kết quả cho Quốc hội.
Đề nghị kiểm toán, thanh tra các dự án đầu tư giao thông, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kể cả đầu tư ra nước ngoài.
Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm hoặc chỉ đề nghị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật mà sau đó cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phát hiện bỏ lọt tội phạm và khởi tố điều tra xử lý hình sự.
Đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm toán phải kịp thời thông báo và cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ngay khi phát hiện dấu hiệu tội phạm và phải chịu trách nhiệm nếu không thông báo.
“804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 1 đến 2 vụ tham nhũng”
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)
Số tiền, tài sản vi phạm có liên quan đến tham nhũng được phát hiện rất lớn nhưng kiến nghị thu hồi khoảng 40% mà số thu hồi được dưới 50% so với số kiến nghị. Vậy cũng đồng nghĩa với số thu hồi được chỉ chiếm khoảng 20% và có những vụ chỉ khoảng 10%.
Các cơ quan chức năng tiến hành nhiều cuộc thanh tra nhưng phát hiện rất ít. Một số địa phương hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được một đến hai vụ tham nhũng và xử lý kỷ luật hành chính. Việc khắc phục sai phạm thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan tổ chức là khâu yếu nhất.
Xử lý một số vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp còn bị kéo dài, một số vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, nhiều hành vi có liên quan đến tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính, có tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định pháp luật, như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% trên tổng số các phạm tội về tham nhũng đã được đem ra xét xử.
Thứ hai, tình hình tham nhũng trong các cơ quan tư pháp đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp. Trong 2 năm 6 tháng bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp chiếm khoảng 10% trên tổng số các vụ tham nhũng trên toàn quốc.
Tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần làm rõ kiến nghị thứ năm liên quan đến người đứng đầu về phòng, chống tham nhũng, không chỉ nói chung chung.
Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch, chương trình kiểm tra, thanh tra thường xuyên đã phát hiện xử lý hoặc đề nghị xử lý tham nhũng có hiệu quả tại đơn vị, địa phương mình phụ trách thì trách nhiệm thế nào, có công hay có tội?
Thứ hai, người đứng đầu cơ quan, đơn vị địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, để xảy ra tham nhũng bị phát hiện, bị xử lý, khởi tố bởi cá nhân và đơn vị khác thì trách nhiệm thế nào? Thứ ba, người đứng đầu trực tiếp và người đứng đầu cấp vĩ mô để đơn vị, tổ chức thuộc hệ thống xảy ra tham nhũng thì trách nhiệm trực tiếp đến đâu, trách nhiệm liên đới liên quan đến chủ trương, cơ chế, chính sách cấp vĩ mô dẫn đến tham nhũng thì trách nhiệm đến đâu, có liên quan gì không.
>> Tồn 10.000 đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm