13% DN được khảo sát cho rằng, khoản chi phí không chính thức chiếm tới hơn 5% tổng chi phí hàng năm của họ
Nhức nhối
Để hỗ trợ cho DN phòng chống tham nhũng, qua đó tiết kiệm chi phí kinh doanh, Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững (SDforB), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các bộ ngành liên quan và các DN, triển khai Dự án Sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong kinh doanh tại Việt Nam (ITBI). Sau 3 năm triển khai Dự án, nhiều kết quả đáng chú ý đã được chia sẻ tại Hội thảo “Minh bạch và nhất quán - tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN”, do VCCI tổ chức ngày 17/1.
Theo đánh giá của cộng đồng DN, kết quả nổi bật nhất sau 3 năm triển khai Dự án là thông qua báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng tham nhũng trong khu vực DN”, đã phác họa khá rõ nét bức tranh tham nhũng trong khu vực DN tại Việt Nam. Qua khảo sát 270 DN, tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. HCM và Cần Thơ, 69% DN cho rằng, họ là nạn nhân của tham nhũng. 40% cho biết, khoản chi phí không chính thức chiếm khoảng 1% tổng chi phí hàng năm của DN, 13% DN cho rằng khoản chi phí không chính thức chiếm tới hơn 5% tổng chi phí hàng năm của họ…
Khi được đề nghị tự đánh giá về khoản chi phí không chính thức hàng năm mà các DN phải bỏ ra khi làm việc với các cơ quan nhà nước, các DN cho biết, tổng chi phí hàng năm cho các cơ quan như vệ sinh an toàn thực phẩm, tài nguyên môi trường, bảo hiểm xã hội…, được ghi nhận là ít hoặc rất ít. Ngược lại, hơn 10% DN cho biết, chi phí cho các cơ quan thuế, hải quan và quản lý thị trường là nhiều, thậm chí rất nhiều…
Các DN cũng chỉ ra nhiều lý do khiến vấn nạn tham nhũng diễn ra nhức nhối trong khu vực DN. 63% DN được khảo sát cho rằng, hệ thống giấy phép chuyên ngành phức tạp, không minh bạch, là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng. 87% DN cho biết, pháp luật vẫn tồn tại những kẽ hở cho nạn tham nhũng phát triển. 75% DN đánh giá việc thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước chưa tốt, nên tạo “đất” cho nảy sinh tham nhũng.
Ý kiến của các DN cho thấy, tham nhũng trong khu vực DN làm suy yếu năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của DN. Tham nhũng còn làm suy giảm dòng vốn đầu tư vào thị trường, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi tâm lý thiếu tin tưởng và cảm giác không an toàn khi đưa ra các quyết định đầu tư…
“Nói không” với hành vi tham nhũng
Thực tế cho thấy, dù rất muốn chống tham nhũng, nhưng bản thân DN gần như… bó tay. Muốn dần khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, ngoài cơ chế, chính sách minh bạch, cần có chế tài xử lý tham nhũng đủ sức răn đe. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, nếu chỉ có sự vào cuộc của phía Nhà nước thôi chưa đủ, mà rất cần sự hợp sức từ phía DN. Theo đó, bản thân các DN cần thể hiện tính nhất quán và minh bạch trong hoạt động. Từ đó, giảm thiểu nguy cơ tạo “đất” cho tham nhũng nảy sinh.
Ở góc nhìn của DN, để góp sức vào cuộc chiến chống tham nhũng, ông Vũ Tiến Vinh, Giám đốc pháp chế và tuân thủ, Công ty TNHH ABB Việt Nam khuyến nghị, cộng đồng DN cần hợp sức “nói không” với các hành vi tham nhũng, hối lộ. Trong hoạt động kinh doanh, DN không cần đến các hành vi không có đạo đức. Nhất quán và minh bạch là những yếu tố rất quan trọng giúp DN giảm thiểu các chi phí bất hợp lý.
Nhìn nhận minh bạch và nhất quán là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho DN, nhưng TS. Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án ITBI, cho rằng, xu hướng này đang gặp nhiều thách thức, do tình trạng tham nhũng trong khu vực DN vẫn diễn ra nhức nhối. Điều này đòi hỏi cả phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn cộng đồng DN cần phối hợp hành động, bởi thực tế hệ thống quy định pháp lý về phòng, chống tham nhũng đã khá đầy đủ, nhưng tổ chức triển khai chưa mang lại kết quả mong muốn...