Bài 3: Khi bệnh nhân dung túng cho cái sai
Nạn nhân né tránh; cơ sở y tế và bác sỹ bị các thẩm mỹ chui lợi dụng danh tính, nhưng không có cách giải quyết triệt để; “lỗ hổng” trong kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng… đang tiếp tay cho các cơ sở thẩm mỹ chui.
Bất lực?
Để tạo niềm tin với khách hàng, các cơ sở thẩm mỹ chui thường sử dụng chiêu bài mạo danh các cơ sở y tế lớn, các bác sĩ có thương hiệu. Chẳng hạn, theo lời nhân viên tại Thẩm mỹ viện D.H (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), mọi khâu của ca phẫu thuật nâng ngực sẽ được bác sỹ Nguyễn Huy Cảnh, Phó trưởng khoa Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thực hiện tại Bệnh viện, vì cơ sở này có hợp tác với bác sỹ.
Khẳng định thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, bác sỹ Cảnh cho biết thêm, cách đây nhiều năm, bác sỹ có hỗ trợ chuyên môn cho Thẩm mỹ viện D.H về một vài thủ thuật như cắt mí, nâng mũi. Tuy nhiên, từ 2 năm trở lại đây, bác sỹ không thực hiện bất kỳ thủ thuật hay kỹ thuật làm đẹp nào liên quan tới Thẩm mỹ viện D.H.
“Càng không có chuyện tôi hợp tác với cơ sở thẩm mỹ này để hút mỡ bụng cho bệnh nhân”, bác sỹ Cảnh khẳng định.
Về các hệ lụy của làm đẹp không đúng cách, các chuyên gia cho hay, đó không chỉ là những biến chứng nhất thời như sưng tấy, đau đớn, mà còn là các nguy cơ lây truyền các bệnh lý nguy hiểm như HIV, viêm gan B khi người dân can thiệp bằng xâm lấn ở các cơ sở không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn, nhân viên thực hiện không đảm bảo công tác vệ sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS. Vũ Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) khẳng định, không có chuyện các bác sỹ của Bệnh viện được ra ngoài làm, hay có liên kết, cộng tác, hợp tác gì với các cơ sở thẩm mỹ tư nhân vì Bệnh viện không cho phép.
“Thẩm mỹ viện nào quảng cáo với bệnh nhân là có bác sỹ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tham gia điều trị hay liên doanh, liên kết, hợp tác với họ đều là lừa dối. Trường hợp bác sỹ cố tình vi phạm quy định của Bệnh viện, sẽ bị xử lý”, đại diện Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nêu.
Cũng theo PGS-TS. Lâm, thời gian qua, Bệnh viện là nạn nhân của rất nhiều quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” của các thẩm mỹ viện chui. Họ lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, dùng hình ảnh các bác sỹ của Bệnh viện, cũng như tên gọi 108 quen thuộc để đặt tên cho cửa hiệu như Viện Thẩm mỹ 108, Thẩm mỹ 108 hay Viện Thẩm mỹ 108 Hà Nội, nhằm tạo lòng tin với người dân.
Một mánh khóe khác được ông Lâm chỉ ra là các cơ sở thẩm mỹ chui tung đội ngũ cò mồi đứng trước cổng Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để mời chào và đưa bệnh nhân về các cơ sở chui của họ, với lời quảng cáo đó là cơ sở do bác sỹ Bệnh viện 108 làm ngoài giờ.
“Chúng tôi cũng bất lực với tình trạng này, bởi nó nằm ngoài phạm vi quản lý của Bệnh viện, chỉ còn trông chờ vào các lực lượng chức năng”, đại diện Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nêu.
Bản thân bác sỹ Nguyễn Huy Cảnh cũng cho hay, không chỉ Thẩm mỹ viện D.H, mà rất nhiều cơ sở khác đã lợi dụng danh nghĩa của anh khi quảng cáo với bệnh nhân để tạo niềm tin với khách hàng. Với những người có kiến thức, hiểu biết, họ sẽ tìm hiểu lại thông tin từ phía Bệnh viện. Song nhiều khách hàng ở các tỉnh mù mờ thông tin, tin theo lời quảng cáo, nhắm mắt đưa chân vào các cơ sở thẩm mỹ chui và gánh hậu quả khi giao sức khoẻ, tính mạng của mình cho các cơ sở không đảm bảo chất lượng, dù số tiền bỏ ra không hề ít.
“Do họ không công khai quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, trang website hay mạng xã hội, mà chỉ bằng cách trao đổi trực tiếp với khách hàng, nên cũng không có căn cứ để kiện. Bản thân tôi là bác sỹ, thực hiện công việc chuyên môn, nếu mỗi lần bị mạo danh lại đi tìm hiểu để xử lý thì sẽ không còn thời gian”, bác sỹ Cảnh nói.
Dung túng
Nói ra tên của thẩm mỹ viện chui là “triệt đường sống của họ, như vậy thất đức lắm”, câu nói của một nạn nhân thẩm mỹ chui khiến phóng viên rất ngạc nhiên. Chị là V.T.H. (Đông Anh, Hà Nội), đang điều trị biến chứng sau thẩm mỹ tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.
Hà Nội hiện có hơn 100 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và quản lý trực tiếp. Còn các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như: thẩm mỹ viện, spa, cơ sở chăm sóc da, cơ sở massage... do UBND quận, huyện, thị xã cấp phép kinh doanh và quản lý.
Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, điều kiện để phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đi vào hoạt động là có giấy phép hoạt động, bảo đảm điều kiện về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bác sỹ phụ trách chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ, có thời gian thực hành đủ 54 tháng.
Theo lời kể của chị H., qua thông tin quảng cáo trên mạng, chị đã tìm tới Viện thẩm mỹ quốc tế T. trên đường La Thành (Đống Đa, Hà Nội) để tiêm filler làm đầy mông. Sau khi tiêm khoảng 2 tháng, vết tiêm trên mông chị có dấu hiệu chảy mủ, đau đớn. Chị đã quay lại thẩm mỹ để yêu cầu cơ sở này giải thích và thăm khám.
Do không có kiến thức chuyên môn để xử lý, nên thẩm mỹ viện này cũng chỉ biết làm sạch vết thương và cắt bỏ chỗ sưng tấy. Bản thân cơ sở nhận thấy sự non kém trong tay nghề, nên cũng đã cam kết sẽ chi trả chi phí phát sinh khi chị H. tới khám và điều trị biến chứng tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Tuy nhiên, yêu cầu mà thẩm mỹ viện đặt ra với chị H. là không được phép tiết lộ tên thẩm mỹ viện mà chị đã sử dụng dịch vụ với bất kỳ ai, tránh làm tổn hại danh tiếng của họ. Đồng ý với điều kiện mà thẩm mỹ T. đưa ra, nên mặc dù được phóng viên thuyết phục nhiều lần về việc nêu rõ danh tính thẩm mỹ viện gây họa nhằm cảnh báo tới người dân, song chị H. đều lắc đầu cho rằng, do chị đã cam kết và bản thân cũng muốn cho cơ sở đó một cơ hội sửa sai.
“Dù những đau đớn mà tôi trải qua không thể nào tả xiết. Bản thân tôi cũng rất bất an, khi sức khỏe của mình suy giảm, không biết khi nào mới được xuất viện về nhà, song tôi cũng tự trách mình trước tiên khi đã không chịu tìm hiểu kỹ càng”, chị H. tự trách.
Trường hợp như chị H. không hiếm. Do xấu hổ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, rất nhiều nạn nhân của thẩm mỹ chui đã không dám nói lên sự thật. Một số người nhận được bồi thường của cơ sở để yên lặng mà không biết rằng, chính điều đó đã tiếp tay cho các cơ sở này tiếp tục hoạt động và gây hại với nhiều người khác.
Đề cập tâm lý trên của nhiều nạn nhân phẫu thuật thẩm mỹ chui, bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cũng cho hay, bản thân ông đã cấp cứu cho nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ tư nhân.
“Nhiều người vào viện trong tình cảnh “thập tử nhất sinh”, nhưng nhất quyết không chịu nói ra tên cơ sở thẩm mỹ đã lừa đảo mình. Chị em đi làm đẹp thường giấu gia đình, khi tai biến y khoa xảy ra thì rất ngại để người thân và mọi người biết”, bác sỹ Sơn cho biết.
PGS-TS. Vũ Hoàng Lâm cho biết một thực tế là, tên gọi các dịch vụ thẩm mỹ không được phân định một cách rõ ràng khiến người dân không thể phân biệt nổi nơi nào được phép thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật can thiệp xâm lấn, nơi nào không được phép thực hiện. Các cơ quan quản lý cần thống nhất lại cách đặt tên để phân định rạch ròi phạm vi chuyên môn của các cơ sở. Theo đó, cơ sở nào đạt các tiêu chí để được phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ được đặt biển hiệu là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ; còn lại chỉ được phép gọi là cơ sở chăm sóc da, spa…
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, việc xử lý sai phạm của các cơ sở thẩm mỹ mới ở phần ngọn, phần nổi của tảng băng chìm, tức là khi có báo cáo sai phạm, cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra xử lý. “Cần có chế tài để kiểm soát cũng như thanh lọc các quảng cáo sai phạm của các cơ sở để tránh người dân bị sập bẫy”, PGS-TS. Lâm nói.