UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa tổ chức cuộc họp với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỉnh Quảng Bình đã tích cực, quan tâm đến công tác quy hoạch, đồng thời nhấn mạnh, năm 2022, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Do vậy, việc triển khai các quy hoạch, gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, Quảng Bình phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hoàn thành trong năm 2022. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và khó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong quá trình xây dựng, thực hiện các quy hoạch đòi hỏi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị; nếu có tư duy tốt, tầm nhìn tốt, quy hoạch tốt tức là có con đường đi đúng đắn, hiệu quả nhất; nếu không lập được quy hoạch tốt sẽ không phát huy được hiệu quả, mất hết nguồn lực, cơ hội của địa phương. Do vậy, Quảng Bình phải xác định rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu đặt ra đối với quy hoạch; thấy được tiềm năng nổi trội, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên phát triển; tổ chức thực hiện, nguồn lực, từ đó phân bổ không gian thực hiện.
Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, trong quá trình lập quy hoạch, Tỉnh đã chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan, đơn vị tư vấn, đặc biệt là sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch tỉnh, trình Hội đồng thẩm định.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Theo ông Trần Thắng, mục tiêu tổng quát của quy hoạch là xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp giá trị cao để tiếp tục cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững.
Tại cuộc họp, các đại biểu bao gồm các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành liên quan là thành viên Hội đồng tham dự đã đánh giá cao nội dung chuẩn bị của tỉnh Quảng Bình tại dự thảo quy hoạch và có những góp ý liên quan đến quan điểm phát triển, bố trí không gian, kịch bản tăng trưởng, dự báo xu thế phát triển, phương án và mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường…
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng khẳng định, Quảng Bình sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến từ các đại biểu, các chuyên gia, lãnh đạo các bộ ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình các cấp có thẩm quyền. Theo ông Vũ Đại Thắng, khi quy hoạch được phê duyệt, đây sẽ là “xương sống” để Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian dài với kỳ vọng rất lớn.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng khẳng định, tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, đại biểu về dự thảo quy hoạch tỉnh. Ảnh: MPI |
“Quảng Bình cũng đã xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và mong muốn, sau này khi tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra”, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, Hội đồng thẩm định đã thảo luận và biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Bình. Kết quả, 100% thành viên Hội đồng có mặt biểu quyết thông qua quy hoạch; đồng thời đề nghị chỉnh sửa để hoàn chỉnh trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Quảng Bình tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tập trung làm rõ một số vấn đề được các đại biểu nêu, đồng thời nhấn mạnh, quá trình xây dựng quy hoạch phải đặt trong yếu tố mới, bối cảnh mới, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định rõ 3 đột phá chiến lược, trong đó có điều chỉnh bổ sung một số yếu tố về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam, phải bám sát để thể hiện vào quy hoạch; bám sát vào hội nhập quốc tế sâu rộng, tập trung vào các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, liên quan đến các vấn đề về chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; ưu tiên kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; bám vào các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có tập trung vào các nội dung như nông nghiệp nông thôn, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới; đặc biệt phải đặt quy hoạch trong phát triển liên kết vùng; tận dụng đường cao tốc Bắc - Nam để trở thành động lực, gắn kết với đường ven biển, hành lang kinh tế;…
Bên cạnh đó, Quảng Bình cần làm rõ phương pháp theo hướng tích hợp, các điều kiện bảo đảm huy động và sử dụng nguồn lực; Hoàn thiện các giải pháp về kết cấu hạ tầng; Đối với 4 ngành trụ cột 8 ngành mũi nhọn cần cụ thể hóa để phân bổ không gian, xác định dự án, kêu gọi đầu tư; lựa chọn kịch bản phát triển cũng như phương án tăng trưởng đảm bảo tính thực tiễn và khoa học phù hợp với điều kiện cân đối và khai thác các nguồn lực của địa phương.
Dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước; phát triển theo hướng nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; đổi mới tư duy và hành động, sáng tạo trong quản lý điều hành; xây dựng các chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, đặc thù; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường;…
Tỉnh Quảng Bình xác định 4 ngành trụ cột là phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển; 3 đột phá chiến lược là đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỉnh cũng xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế.