Thái Lan thừa nhận lỗ hàng tỷ USD vì tạm trữ lúa gạo

Chính phủ Thái Lan dự kiến thua lỗ khoảng 80 tỷ Baht, tương đương 2,61 tỷ USD, từ chương trình can thiệp thị trường lúa gạo đầu tiên của nước này.
Chương trình tạm trữ lúa gạo đầu tiên của Thái Lan kéo dài từ tháng 10/2011-9/2012 - Ảnh: AFP/MSNBC.

Hãng tin Reuters cho biết, thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Boonsong Teriyapirom, công bố trước báo giới vào ngày hôm qua (9/10). Chương trình tạm trữ lúa gạo đầu tiên của Thái Lan kéo dài từ tháng 10/2011-9/2012.

 

“Chẳng có đồng lợi nhuận nào bởi vì đây là chính sách để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến là không lỗ nặng lắm. Khoản lỗ có thể vào khoảng 80 tỷ Baht”, ông Boonsong phát biểu.

 

Chính phủ Thái Lan đã chi 300 tỷ Baht cho chương trình tạm trữ lúa gạo nói trên. Tuần trước, chương trình này được gia hạn, với khoản ngân sách ban đầu được thông qua là 240 tỷ Baht để can thiệp thị trường trong niên vụ 2012-2013.

 

Theo chính sách tạm trữ lúa gạo, Chính phủ Thái mua thóc từ nông dân với giá 15.000 Baht/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá thị trường 9.000 Baht/tấn. Kho thóc tạm trữ của Thái hiện đã lên tới mức kỷ lục 12 triệu tấn quy gạo.

 

Chính sách trợ giá lúa gạo là một thế mạnh bầu cử chính của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khi đảng của bà giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 7/2011. Bà Yingluck đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tầng lớp nông dân và nhân dân lao động bị thu hút bởi chính sách hỗ trợ dân nghèo.

 

Tuy vậy, giới phê bình cho rằng, kế hoạch can thiệp vào thị trường lúa gạo của Thái Lan có quá nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội cho tham nhũng, và chủ yếu làm giàu cho các thương nhân có quan hệ tốt với đảng cầm quyền, thay vì những người nông dân nghèo nhất mà chính sách này muốn hướng đến.


VNE

Tin cùng chuyên mục