Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cho biết: năm 2022 kết quả PCI của tỉnh xếp thứ 28/63 tỉnh, thành, tăng 19 bậc so với năm 2021. Trong đó có những chỉ số thành phần xếp thứ hạng cao như thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 2, tính năng động của chính quyền tỉnh và đào tạo lao động xếp thứ 14.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh nhận thức, nâng cao mối quan hệ của chính quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp có tầm nhìn bao quát, đồng hành cùng chính quyền, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ như tìm hiểu về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thông tin thị trường, đào tạo, tư vấn, công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các đại biểu tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, các chuyên gia phân tích, giải đáp. Sau hội nghị mỗi sở, ngành, địa phương quán triệt các nội dung, kịp thời tham mưu, áp dụng trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả cải cách hành chính nói chung và các chỉ số thành phần PCI nói riêng.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, huyện tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Các chuyên gia chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm trong xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Đức Trọng, chuyên gia Ban pháp chế VCCI, chuyên gia dự án PCI cho rằng: Thời gian qua Thái Bình đã có sự quyết tâm cũng như cách thức triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sự chuyển biến tích cực đã đưa Thái Bình bứt phá trên bảng xếp hạng PCI của cả nước.
Tuy nhiên, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương vẫn còn một số hạn chế, chuyên gia khuyến nghị: Tỉnh cần tiếp tục duy trì cam kết thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giảm thiểu phiền hà về thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hơn nữa; tăng cường truyền thông hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp trong đó có thực thi các chính sách; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức khác nhau, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội nghị |
Về cải thiện PCI, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ, để Thái Bình vươn lên trong nhóm đầu PCI cần chuyển tư duy của chính quyền từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sang tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động bằng những chuyển đổi trên thực tế như thái độ phục vụ của các phòng, ban, ngành, đội ngũ công chức, có chính sách hỗ trợ thiết thực, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp về tư duy, tốc độ kinh doanh - tốc độ hành chính và khoảng cách về niềm tin.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng Thái Bình cần cải thiện, nâng cao hơn nữa về công khai, minh bạch thông tin, chính quyền các cấp vào cuộc và có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chủ động hơn, phát huy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh cần xây dựng văn hóa hành chính thân thiện, trách nhiệm, hiệu quả, đây là quyền lực, sức mạnh mềm thu hút các nhà đầu tư đến Thái Bình hợp tác cùng phát triển.