Thách thức xử lý hình sự tội Thao túng giá chứng khoán

(ĐTCK) Mới đây, ngày 15/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân ông Hoàng Đức Dũng (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) với mức phạt 550 triệu đồng. 
Thách thức xử lý hình sự tội Thao túng giá chứng khoán

Ông Dũng đã sử dụng 2 tài khoản đứng tên mình và 24 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu của Công ty cổ phần Tài nguyên (mã TNT) nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu TNT. Quyết định xử phạt cho thấy, Ủy ban Chứng khoán đã làm việc với cơ quan công an và xác định được số lợi nhuận bất hợp pháp từ hành vi vi phạm là hơn 491 triệu đồng.

Như vậy, mặc dù có thu lợi bất chính, song hành vi của ông Dũng chỉ bị xử phạt hành chính. Luật sư Hồ Anh Khoa (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan chức năng đã xác định đây là hành vi vi phạm hành chính, không đủ căn cứ xử lý hình sự. Với quy định hiện hành, dù có hành vi thao túng giá nhưng nếu không xác định được thiệt hại, không có bị hại thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng thêm căn cứ xác định tội phạm là thu lời bất chính nhưng vừa bị hoãn thi hành. Giả sử Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành thì trường hợp này chưa đủ 500 triệu đồng để phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc tạm hoãn thi hành Bộ luật Hình sự mới, trong đó có nhóm tội trên thị trường chứng khoán, bao gồm: Thao túng thị trường chứng khoán; Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Riêng với tội Thao túng thị trường chứng khoán, so với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, có một nội dung quan trọng là bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm. Nếu theo luật hiện hành, một trong các căn cứ xác định tội phạm là phải “gây hậu quả nghiêm trọng” thì trong Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung thêm căn cứ “thu lợi bất chính”.

Sở dĩ có việc bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm này là do đặc thù của thị trường chứng khoán, với hành vi thao túng giá chứng khoán, rất khó xác định được thiệt hại. Trên thực tế, từ ngày 1/1/2010, khi Bộ luật sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự 1999 có hiệu lực, đến nay, mới chỉ có duy nhất một vụ thao túng giá chứng khoán bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Dược phẩm Viễn Đông (DVD).

Trong khi đó, hành vi thao túng giá trên thị trường không phải là hiếm. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt một số trường hợp có hành vi thao túng giá chứng khoán với mức xử phạt khá cao. Ví dụ, vào tháng 3/2016, Ủy ban Chứng khoán đã ban hành quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Mỹ Kim (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) số tiền 550 triệu đồng vì đã có hành vi thao túng giá chứng khoán. Cụ thể, từ ngày 17/4/2015 đến ngày 31/8/2015, bà Mỹ Kim đã sử dụng 6 tài khoản để giao dịch cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt nhằm mục đích thao túng giá.

Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt ông Trần Thanh Hữu, thành viên HĐQT Công ty cổ phần CMISTONE Việt nam (mã CMI) với mức phạt kỷ lục 705 triệu đồng. Ông Hữu đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu CMI trong thời gian từ 26/9/2013 đến 13/1/2014.

Một số cá nhân khác cũng bị xử phạt hành chính vì hành vi thao túng giá cổ phiếu như ông Trịnh Công Sơn (quận Long Biên, Hà Nội) và bà Võ Thị Thu Hằng (Pleiku, Gia Lai). Trong năm 2015, 2 cá nhân này đã lập nhiều tài khoản giao dịch tạo cung cầu ảo đối với cổ phiếu (lần lượt là NHP và DLG). Mức phạt dành cho mỗi người lên tới 550 triệu đồng.

Vì sao hành vi vi phạm nghiêm trọng, thể hiện ở mức phạt khá cao, nhưng lại không bị xử lý hình sự? Theo lý giải của luật sư Khoa, với tội thao túng giá chứng khoán, thực tế áp dụng luật có vướng mắc ở vấn đề xác định thiệt hại, dẫn đến không đủ căn cứ xác định cá nhân phạm tội. Theo Điều 181c Bộ luật Hình sự, một căn cứ cấu thành tội Thao túng giá chứng khoán là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Mức nghiêm trọng này, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2013/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC, được chia thành hai mức: gây thiệt hại cho nhà đầu tư với số tiền từ 1 - 3 tỷ đồng và từ 3 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, để một cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải có cá nhân/nhà đầu tư nào đó bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.

Trở lại vụ việc DVD, vụ án đã được đưa ra xét xử vào cuối năm 2011 , trong tài liệu truy tố, hậu quả từ hành vi thao túng giá chứng khoán được xác định là thiệt hại phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về thị trường chứng khoán; làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của thị trường chứng khoán.

Vấn đề này, sau đó, đã được đưa vào Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT- BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC, hậu quả nghiêm trọng không chỉ là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như đã nêu trên.

“Dù vậy, việc áp dụng hậu quả thiệt hại vô hình này trong xác định tội phạm là không dễ dàng, bởi đây đều là các tiêu chí định tính”, luật sư Khoa nói.

Do đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung thêm một căn cứ “trục lợi bất chính”. Theo đó, yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội Thao túng giá chứng khoán đã có sự thay đổi, Điều 211 quy định người nào có hành vi thao túng giá chứng khoán (1) thu lợi bất chính hoặc (2) gây thiệt hại cho nhà đầu tư ở mức độ cụ thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, yếu tố xác định tội phạm mở rộng hơn, nếu không xác định được mức thiệt hại cho nhà đầu tư thì có thể căn cứ vào mức thu lợi bất chính để truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng - 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 7 năm tù giam.

Luật sư Khoa nhận xét, trong giai đoạn giao thời, khi luật cũ đã bộc lộ bất cập nhưng vẫn đang có hiệu lực thi hành, còn luật mới phải chờ Quốc hội xem xét sửa đổi, việc xác định trách nhiệm hình sự với các hành vi thao túng giá chứng khoán ít nhiều gặp khó khăn.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục